Mới đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiểu Cần đã hoàn thành khóa đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng năm 2020 cho các lao động nông thôn trên địa bàn xã Phú Cần và thị trấn Tiểu Cần.
Dạy nghề theo nhu cầu
Trong thời gian 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10/2020), lớp dạy nghề này đã trang bị cho các học viên những kiến thức cơ bản về kỹ thuật xây dựng dân dụng nhằm vận dụng vào thực tế công việc xây dựng ở địa phương.
Học nghề xây dựng giúp tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn ở Tiểu Cần. |
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiểu Cần, cho biết trong năm 2020 Trung tâm sẽ phối hợp với Trường Cao đẳng nghề của tỉnh và các ngành, địa phương trong huyện mở 10 lớp dạy nghề cho khoảng 250 - 300 lao động nông thôn.
Trong đó có 4 lớp sơ cấp, 2 lớp trung cấp và 4 lớp dạy nghề dưới 3 tháng thuộc các lĩnh vực xây dựng, chăn nuôi thú y, may công nghiệp và các ngành nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển ở địa phương.
Bên cạnh trung tâm nêu trên thì hội nông dân các cấp của huyện Tiểu Cần cũng tích cực tham gia vào việc tổ chức các lớp dạy nghề theo nhu cầu cho lao động nông thôn, nông dân địa phương.
Trong 5 năm trở lại đây (2015 - 2020), Hội Nông dân các cấp trong huyện đã tham gia phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, giải quyết việc làm, qua đó đã có 1.200 lượt hội viên, nông dân tham gia. Hàng năm, hội còn phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hàng ngàn lượt hộ nông dân.
Qua đó, hội đã vận động hội viên, nông dân xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhất là sau khi tham gia học nghề và các lớp tập huấn thì nhiều nông dân các xã, thị trấn đã cải tạo diện tích vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh trên diện tích 0,7ha kết hợp nuôi gà thả vườn của ông Thạch Ngọc Em, Khóm IV, thị trấn Cầu Quan, bình quân mỗi vụ sau khi trừ chi phí ông còn lãi khoảng 150 triệu đồng.
Hoặc như nông dân Thạch Pho La, ấp Đại Trường, xã Phú Cần là thành viên HTX nông nghiệp Phú Cần, sau khi tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình trồng màu theo kiểu truyền thống sang ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.
Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề
Năm 2019, được HTX hỗ trợ làm nhà màng trồng dưa lưới, ông Pho La đầu tư 100 triệu đồng để trang bị hệ thống tưới, pha thuốc tự động trên diện tích 1.000m2. Đến nay, ông đã thu hoạch được 2 vụ, năng suất đạt trên 05 tấn trái, bán với giá từ 25.000-35.000 đồng/kg, trừ chi phí giống, phân, thuốc gia đình ông lời trên 100 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, dù bị tác động và bị ảnh hưởng nặng nề của hạn, mặn, nhưng hoạt động của loại hình kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện Tiểu Cần tiếp tục được duy trì, phát triển đúng hướng, nhiều thành viên HTX tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi.
Nhờ học nghề trồng trọt đã giúp nông dân huyện Tiểu Cần ứng dụng công nghệ vào trồng dưa lưới mang lại hiệu quả cao |
HTX Nông nghiệp Rạch Lọp ở xã Tân Hùng là một trong những HTX điển hình của huyện Tiểu Cần, chuyên về dịch vụ nông nghiệp đến nay HTX đã phát triển được 514 thành viên và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương.
Từ khi có HTX Rạch Lọp thì nông dân xã Tân Hùng yên tâm sản xuất, kiến thức về canh tác nông nghiệp của họ cũng được nâng lên rõ rệt.
Ông Huỳnh Đặng Khoa, Giám đốc HTX Rạch Lọp, cho biết, hoạt động của HTX làm các dịch vụ như bơm tát, khai thác quản lý chợ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, cung cấp đầu vào cho các thành viên trong lĩnh vực sản xuất lúa. HTX hoạt động hiệu quả đã đem đến nhiều lợi ích cho các thành viên như: Tăng lợi nhuận trên sản phẩm, ổn định được giá cả và tăng thu nhập cho thành viên qua sử dụng dịch vụ.
Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện Tiểu Cần đạt 72,71% so với tổng số lao động. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng là vấn đề được huyện quan tâm, hàng năm đều tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền, tư vấn việc làm để cung cấp thông tin tuyển dụng việc làm đến người lao động.
Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho 17.944 lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh (đạt 117,28% chỉ tiêu). Nhờ đó, thu nhập của người dân từng bước nâng lên, hiện thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm.
Thanh Loan