Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, làng có nghề, gần 1.800 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, trên 1.390 tổ hợp tác. Các đơn vị đang thể hiện vai trò tích cực trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Bài toán nhân lực
Giàu truyền thống song các làng nghề tại Hà Nội đang gặp phải không ít khó khăn trong thu hút lao động trẻ, trình độ cao. Chính vì vậy công tác đào tạo nghề đang được lãnh đạo Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2019, toàn thành phố hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 16.000 lao động nông thôn, nâng tổng số người được hỗ trợ đào tạo nghề lên khoảng 200.000 người trong giai đoạn 2009-2019. Sau học nghề, hơn 80% người lao động có việc làm, thu nhập cao hơn.
Nghề kỹ thuật may công nghiệp mang đến cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn. |
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh cho biết, may công nghiệp là nghề phát huy hiệu quả tích cực nhất trong danh mục các nghề phi nông nghiệp đang triển khai đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Một số nghề phi nông nghiệp khác như điện dân dụng, pha chế đồ uống… cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm người lao động.
Việc hỗ trợ đào tạo các nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cũng mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho những ai dám nghĩ, dám làm. Chị Nguyễn Thị Hải, thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cho hay: “Sau khi học nghề chăn nuôi - thú y, tôi biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi gia cầm. Gà, ngan gia đình tôi nuôi đều phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, bán được giá. Nhờ đó, đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi diện cận nghèo, cuộc sống dần ổn định”.
Tương tự, chị Nông Thị Duyên được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho học nghề may công nghiệp. Quyết định học nghề may đã giúp thay đổi cuộc sống của chị Duyên. "Chỉ sau 3 tháng học nghề, tôi đã có việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/tháng”, chị Duyên cho biết.
Đẩy mạnh đào tạo
Để giải quyết những khó khăn về lao động làng nghề, vào năm 2017, UBND Tp.Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Tp.Hà Nội.
Với mục tiêu rõ ràng, hơn 2 năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề cho khoảng 30.000 lao động (bao gồm cả nguồn khuyến công, khuyến nông và đào tạo nghề cho lao động nông thôn).
Nhiều lao động nông thôn qua đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. Trong ảnh: Sản xuất đồ mộc dân dụng tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh. |
Đồng thời, các cấp, ngành của thành phố cũng thực hiện tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho hơn 100 chủ doanh nghiệp là giám đốc, phó giám đốc và chủ các cơ sở sản xuất làng nghề.
Chủ tịch Liên minh HTX Tp.Hà Nội Lê Văn Thư, hiện tại, lực lượng cán bộ HTX có trình độ trung cấp trở lên trong hội đồng quản trị chỉ chiếm 28,5%, trong ban kiểm soát chiếm 16,2%, kế toán là 45,5%. 70% lao động tại các HTX chưa qua đào tạo chuyên sâu, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Với khu vực HTX, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, lao động trong HTX. Điển hình, trong năm 2018, Liên minh HTX Tp.Hà Nội đã tổ chức 38 lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, kế toán, kiểm soát viên HTX.
Các sở, ngành cũng đã phối hợp tổ chức 4 lớp tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH cho cán bộ HTX tại các huyện: Thanh Trì, Quốc Oai, Thường Tín và quận Long Biên; 2 hội nghị phổ biến một số văn bản về đất đai và chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất nông nghiệp tại huyện Phúc Thọ, Thạch Thất.
“Cùng với nguyên nhân về thiếu hụt nguồn vốn và tư liệu sản xuất, nhân lực được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động của các HTX, làng nghề. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cần phải được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao nội lực cho các đơn vị”, ông Lê Văn Thư nhấn mạnh.
Sáu Ngạn