Hiện nay, một bộ phận lao động tại các xã của huyện Thới Lai đã và đang có thu nhập ổn định. Nhiều người đã gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên, tiếp tục phát triển các nghề truyền thống hay cùng nhau liên kết để phát triển.
Vai trò của HTX
HTX Quốc Noãn (ấp Trường Bình, xã Trường Thắng) chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ tre, nứa, lục bình. Nhờ chú trọng nâng cao giá trị các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN), đến nay, HTX đã có chỗ đứng trên thị trường. Sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Sản phẩm do Quốc Noãn làm ra đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nên với mỗi đơn hàng, số lượng lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn sản phẩm. Để đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, HTX đã đẩy mạnh đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho người lao động.
Để việc dạy nghề cho lao động được hiệu quả, HTX đã cùng Phòng LĐ- TB&XH huyện và Trường Trung cấp nghề Thới Lai tổ chức các lớp nghề đan cần xé và giỏ hoa cho người lao động. Mỗi lớp học 50 - 80 người, cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực để gia công giỏ hoa các loại theo đơn hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Nà - Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết khi đơn hàng nhiều, HTX cần số lượng lớn lao động gia công. Những buổi đào tạo nghề ngắn hạn của HTX đã thu hút được rất nhiều phụ nữ trong ấp tham gia học nghề.
Đối với các chị em phụ nữ, thông qua các buổi đào tạo nghề của HTX, lợi thế đầu tiên là mọi người có việc làm nhưng không phải đi xa, có thể gia công tại cơ sở hay nhận nguyên liệu về nhà làm lúc rảnh rỗi.
HTX Phú Thọ (xã Trường Xuân) hoạt động trong lĩnh vực may gia công cũng chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, từ đó giúp người lao động làm quen quy trình may công đoạn, đáp ứng nguồn lao động chất lượng phục vụ sản xuất.
Theo Ban Giám đốc HTX Phú Thọ, nhờ chú trọng nâng cao tay nghề, HTX từng bước hoạt động ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Bên cạnh đó, HTX chủ động tìm nguồn liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân để bảo đảm hoạt động diễn ra đều đặn. Hiện nay, thu nhập của các lao động tại HTX dao động 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Với vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế nông thôn, những năm qua, các THT, HTX ở Thới Lai đã tích cực đổi mới hoạt động, nâng cao trình độ quản lý và trình độ tay nghề cho thành viên và người lao động. Đây là yếu tố quan trọng giúp huyện thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 2 - 5% trong tổng số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.
HTX Quốc Noãn đã thu hút được rất nhiều phụ nữ trong ấp tham gia học nghề |
Hiệu quả sau đào tạo
Trước đây, Thới Lai cũng liên kết với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… mở các lớp đào tạo nghề ở các địa phương. Tuy thu hút được người dân, nhưng sau khi tham gia các lớp đào tạo, chỉ một phần học viên được giới thiệu việc làm nên hiệu quả không cao.
Nhận thấy vai trò liên kết, hỗ trợ người dân của mô hình kinh tế hợp tác, những năm gần đây, huyện đã tăng cường liên kết, tạo điều kiện để các THT, HTX trên địa bàn tham gia tổ chức dạy nghề. Trong đó, Sở Công thương, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện vay vốn Chương trình Cho vay giải quyết việc làm. Chính vì vậy, sau các buổi đào tạo nghề, 95% các học viên đều có việc làm tại các HTX, hoặc chủ động xin tham gia HTX.
Theo Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ, thành phố đánh giá cao việc huyện chủ động kết hợp và phát huy hiệu quả hoạt động HTX để tập hợp lao động tham gia sinh hoạt, tạo việc làm, thu nhập ổn định cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng của thành viên.
Huyền Trang