Dạy nghề cho lao động nông thôn là nền tảng phát triển kinh tế xã hội địa phương |
Theo Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016 -2020, cả nước thực hiện đào tạo nghề cho 6.000.000 lao động nông thôn, trong đó 1.400.000 người học nghề nông nghiệp, bình quân đào tạo 280.000 người/năm, mỗi tỉnh đào tạo nghề cho trên 4.400 người/năm.
Vai trò của đào tạo nghề
Khu vực nông thôn nước ta chiếm khoảng 70% dân số và hơn 50% lực lượng lao động xã hội. Lao động nông thôn chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, hàng năm cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, lao động nông thôn hiện nay có trình độ nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Do đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng.
Có thể thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao nguồn lao động ở nông thôn. Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn sẽ góp phần nâng cao trình độ tay nghề, tính kỷ luật, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu việc làm qua đào tạo.
Đặc biệt, chủ chương về đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn là nền tảng giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…
Đào tạo nghề là nhu cầu thiết thực đáp yêu cầu phát triển của xã hội. Được đào tạo nghề, người lao động có nhiều cơ hội làm trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao và cải thiện kinh tế gia đình.
Không dừng lại ở đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần thay đổi vị thế của người lao động nông thôn nước ta bởi lao động nông thôn vốn không được đánh giá cao về vị thế chính trị - xã hội, họ chủ yếu sản xuất manh mún, chưa có tính liên kết cao. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nghề, người lao động được trang bị kiến thức về sản xuất các ngành nghề, kiến thức về khoa học - công nghệ, thị trường, hội nhập... Đó là những tri thức quan trọng giúp nông dân từng bước cải tiến phương thức sản xuất theo hướng hiện đại; sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững từ đó thay đổi vị thế của chính họ.
Đáng chú ý, hiện nay có hình thức lớp đào tạo nghề ngắn hạn được tổ chức tại mỗi địa phương là nỗ lực rất lớn của người dạy và người học. Bởi ở các lớp học này, giáo viên xây dựng giáo án và cách truyền đạt phù hợp trình độ, lứa tuổi từng học viên để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Cách làm hay
Sơn Dương-Tuyên Quang có 90% dân số là lao động nông thôn, 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, chính quyền địa phương đã lựa chọn đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, mây tre đan, may mặc…
Lớp học nghề Công nghệ ô tô tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương. |
Được giao là đơn vị chính tổ chức đào tạo nghề nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương đã xây dựng kế hoạch giảng dạy dựa trên số lượng lao động đăng ký đầu vào và đầu ra; thường xuyên tổ chức đa dạng hoạt động tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm để vận động lao động tham gia học nghề, lựa chọn nghề học hiệu quả nhất.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm đã mở 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 315 học viên tham gia, phần lớn các học viên đều phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp, góp phần vào mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế xã hội nơi đây.
Một trong những cách làm hay mang lại hiệu quả trong công tác dạy nghề ở Sơn Dương là thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, nhất ở các xã vùng sâu, vùng xa nhằm tổ chức được các lớp đào tạo ngắn ngày, truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cây ớt, đan lát, may công nghiệp… tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Nhờ vậy, hơn 92% lao động ở nông thôn sau học nghề đã có việc làm.
Điểm nổi bật trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại huyện Sơn Dương là đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh như Tổ hợp tác, HTX. Đối với các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, sau khi học xong, học viên sẽ được trung tâm dạy nghề tư vấn, giới thiệu việc làm cho một số đơn vị đóng trên địa bàn qua đó góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Huyền Trang