Sau khi tham gia lớp dạy nghề về “Trồng cây lương thực thực phẩm" do HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hà (huyện Đông Hưng) kết hợp với các cấp ngành tổ chức, bà Trần Thị Lý (xã Đông Hà) đã biết cách lựa chọn phân bón tốt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng và hiệu quả hơn. Bà được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó áp dụng vào sản xuất và tuyên truyền cho những hộ khác trong thôn xóm...
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Ông Đặng Xuân Kết, Giám đốc HTX Đông Hà cho biết, đào tạo nghề nông nghiệp là chương trình rất cần thiết cho lao động nông thôn và thành viên HTX, vì vậy khi có chương trình dạy nghề nông nghiệp, HTX đã kết hợp với UBND xã Đông Hà tiếp nhận ngay. Trong năm 2020, thành viên và người dân đã được tham gia 3 lớp (2 lớp trồng cây lương thực thực phẩm và 1 lớp chăn nuôi gia súc gia cầm).
Theo ông Kết, hầu hết lao động nông nghiệp ở địa phương chưa được đào tạo nghề, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, do vậy khi lớp đào tạo nghề được tổ chức là điều kiện cho nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật.
Nhờ chú trọng gắn lý thuyết với thực hành ngoài đồng ruộng, nông dân và thành viên HTX nắm được rõ hơn các kiến thức về sản xuất lúa cũng như cây vụ đông. Các lớp chăn nuôi đã giúp nông dân biết cách lựa chọn con giống tốt, phòng trị bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng VietGAP vào gia trại, trang trại...
Học viên trong lớp đào tạo nghề nông nghiệp chia nhóm để thảo luận. |
Với hiệu quả từ các lớp đào tạo nghề mang lại, ông Kết cũng mong muốn trong năm tới, Đông Hà sẽ được triển khai tiếp chương trình với các lớp trồng cây lương thực thực phẩm và khuyến ngư cho nông dân trong xã.
Cũng trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông đã kết hợp cùng HTX dịch vụ nông nghiệp xã Phong Châu (huyện Đông Hưng) tổ chức 2 lớp đào tạo nghề trồng cây lương thực, cây thực phẩm và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 66 học viên là lao động nông thôn.
Qua khóa học, thành viên HTX và người dân được nâng cao và thực hành kỹ năng về kỹ thuật làm đất, ngâm ủ giống, thâm canh mạ, sinh trưởng cây lúa qua các giai đoạn, nhận biết một số đối tượng dịch hại chính và biện pháp phòng trừ, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm… Qua đó rút ra được kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, an toàn cho người tiêu dùng.
Có thể thấy, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Bình được tổ chức đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Gắn đào tạo nghề với phát triển nông nghiệp
Là một tỉnh chuyên sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa và rau màu nên Thái Bình rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 165.750 lao động, bình quân đạt 33.130 lao động/năm.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động trở lên nhằm duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%.
Để thực hiện hiệu quả, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối kết hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Làm vườn, các HTX sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp để đánh giá nhu cầu học nghề của nông dân, từ đó lựa chọn, tuyển sinh học viên theo đúng đối tượng, đúng nghề đào tạo, ưu tiên cho lao động nông thôn trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Gắn lý thuyết với thực hành là cách làm hiệu quả trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở Thái Bình. |
Thái Bình cũng chú trọng xây dựng các mô hình dạy nghề mẫu nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân được thực hành, được học nghề theo cách "cầm tay chỉ việc" ngay tại hiện trường.
Tại HTX Sản xuất kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng), sau khóa đào tạo về trồng khoai tây hàng hóa, thành viên đã được nâng cao nhận thức, tiếp thu nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về kỹ thuật sản xuất. Tiêu biểu như kỹ thuật chọn lọc củ giống khoai tây, nắm vững quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây khoai tây đảm bảo sản xuất củ giống sạch bệnh.
Nhờ đó, năng suất khoai khoảng 5 - 6 tạ/sào, với giá bán khoai thịt là 6.000 đồng/kg, khoai giống 4.000 - 5.000 đồng/kg, bà con có thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/sào.
Sau khi thành viên nâng cao kỹ năng sản xuất qua đào tạo nghề, HTX Trọng Quan đã mạnh dạn đầu tư 5 kho lạnh với công suất 30 - 40 tấn/kho, đảm bảo đủ điều kiện để bảo quản củ giống khoai tây đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, HTX không những đã chủ động được nguồn giống khoai tây sạch bệnh cho bà con trong xã mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Những năm qua, Thái Bình luôn xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm tới, tỉnh sẽ bám sát định hướng của ngành nông nghiệp, HTX để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng đối tượng học nghề là nông dân trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ưu tiên cho phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của từng địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Như Yến