Những năm gần đây, khu vực kinh tế HTX tỉnh Hưng Yên có bước tiến vượt bậc về chất và lượng. HTX Liên Khê trở thành một trong những điển hình trong xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Hiện, trung bình mỗi tháng, HTX mua gom, xuất khẩu được 10.000 sản phẩm mây, tre đan các loại, ổn định thu nhập cho gần 300 lao động nông thôn.
Điểm tựa cho người lao động
Ông Phan Đình Đua, đại diện HTX Liên Khê, cho biết ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định lấy thành viên, người lao động là chủ thể. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, HTX đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chú trọng công tác đào tạo nghề, giúp các hộ sản xuất nắm vững quy trình, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
HTX chủ động nâng chất nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường (Ảnh TL). |
Cụ thể, mỗi thành viên, hộ liên kết khi có nhu cầu tham gia vào HTX đều được tổ chức tập huấn, dạy nghề theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, đồng thời được thực hành ngay với các sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp tại cơ sở sản xuất của HTX.
Trong quá trình sản xuất, 100% thành viên, hộ liên kết, người lao động thường xuyên được cập nhật các kiến thức, kỹ thuật làm nghề mới, được hỗ trợ tối đa về các loại máy móc, trang thiết bị tiên tiến, và đặc biệt là những thông tin nghiên cứu về nhu cầu thị trường, từ đó làm ra những sản phẩm được lòng người tiêu dùng nhất.
Sự đồng hành của HTX trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất đang trở thành bước ngoặt đổi đời cho hàng trăm thành viên, người lao động. Đặc biệt, có không ít các hộ liên kết của HTX thuộc các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người già, phụ nữ có sức khỏe kém…
Anh Vũ Mạnh Tuấn, xã Đông Kết, chia sẻ trước đây anh từng là công nhân lái xe, sau đó bị tai nạn nên mất sức lao động, kinh tế gia đình rơi vào kiệt quệ. Cuộc đời sang trang khi anh được tạo điều kiện tham gia học nghề đan mây tre, sau đó trở thành thành viên liên kết của HTX Liên Khê.
“Đến nay đã là tròn 10 năm tôi làm việc, cung cấp các sản phẩm cho HTX. Lúc đầu chỉ là những sản phẩm đơn giản, thu nhập 2 – 3 triệu đồng/tháng. Sau đó tay nghề nâng cao, các sản phẩm đa dạng, số lượng lớn hơn, thu nhập tăng lên 4 – 5 triệu đồng/tháng. Không phải số tiền lớn nhưng nó giúp tôi lo cho bản thân và phần nào hỗ trợ gia đình”, anh Tuấn bộc bạch.
Chinh phục những thị trường khó
Theo đại diện HTX Liên Khê, việc đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực nằm trong chiến lược phát triển đường dài của đơn vị nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các đối tác tiêu thụ, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.
Các sản phẩm có độ tinh xảo cao giúp HTX chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu (Ảnh TL). |
Hiện, sản phẩm làm ra từ HTX bao gồm nhiều loại đồ dùng gia dụng bằng mây tre, như giỏ, lọ, đĩa, cơi trầu, mâm bồng, làn, khay đựng hoa quả... Các mặt hàng đều được đánh giá cao về mặt kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn sinh học (không có hóa chất độc hại).
Bên cạnh thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu chính của HTX là các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Bình quân mỗi tháng, HTX có thể sản xuất và cung ứng cho các thị trường này khoảng 10.000 sản phẩm mây, tre đan các loại, doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nét mới trong sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của HTX Liên Khê hiện nay là tất cả các khâu giao dịch (chào hàng, giới thiệu quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng và thanh lý hợp đồng) đều thông qua các phương tiện thông tin hiện đại, không mất thời gian và phương tiện đi lại, gây phát sinh chi phí, nên rất thuận lợi.
Do vậy, ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 xảy ra, việc quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng không bị đứt gãy. HTX đang rất tự tin nghề sản xuất mây, tre đan xuất khẩu sẽ còn phát triển hơn nữa. Bởi đây là những sản phẩm thân thiện môi trường, nguyên liệu sản xuất là các loại thảo mộc, không gây ô nhiễm, không ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
“Dựa trên những thành quả đang có, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa chủng loại hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các lao động làm nghề...”, đại diện HTX, ông Phan Đình Đua nhấn mạnh.
Trong điều kiện khó khăn về thị trường tiêu thụ khiến nhiều làng nghề sản xuất sản phẩm mây tre đan phải mai một, chuyển hướng đi khác thì tại Liên Khê, nghề này vẫn được duy trì và phát triển bởi sự nhanh nhạy, linh hoạt thích ứng thị trường của những người làm nghề.
Chính vì vậy, chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng cần có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ HTX có hướng phát triển hiện đại, hiệu quả hơn, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, đẩy nhanh giảm tỷ lệ nghèo theo hướng bền vững.
Đại Nam