Hiện, toàn huyện đã có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã Yên Hòa, Yên Từ được công nhận xã NTM kiểu mẫu.
Điểm sáng Yên Từ
Đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, sau 4 năm, Yên Từ nhanh chóng phát huy các nguồn lực để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đúng theo kế hoạch, năm 2019, xã đã là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện.
Có được thành công này là nhờ ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Yên Từ đặc biệt chú trọng công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phát huy lợi thế của địa phương.
Để làm được điều này, xã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung cho phát triển kinh tế bền vững theo chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sản xuất rau màu là một trong những thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Từ. |
Đến cuối năm 2020, xã chuyển đổi được 27,12 ha diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây Thái Lan, cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản. Các mô hình cho thu nhập khá cao và ổn định từ 300-350 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, xã thành lập HTX Tiên Phong chuyên sản xuất chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi thủy sản với trên 40 thành viên tham gia.
Chăm sóc đúng kỹ thuật, chuối tây Thái Lan trồng sau 15 tháng là được thu hoạch. Mỗi cây chuối cho khoảng từ 27-30 kg quả. Hiện nay, thị trường đầu ra của sản phẩm này tương đối ổn định; đến vụ thu hoạch, các lái buôn trong và ngoài tỉnh đến đặt trước và thu mua tại vườn.
Chuối tây Thái Lan không chỉ cho thu nhập từ quả, mà các phụ phẩm khác cũng có thể cho thu nhập và sử dụng được. Hoa chuối thường được bán cho các nhà hàng để chế biến thành thực phẩm sạch với giá từ 8.000-10.000 đồng/hoa; thân chuối bán cho các hộ chăn nuôi làm thức ăn cho gia súc, gia cầm với giá 6.000-7.000 đồng/cây; lá chuối được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, hoặc bán cho các xưởng chế biến thực phẩm, giò, chả...
Diện tích mặt nước xen kẽ các dãy trồng chuối được các thành viên HTX Tiên Phong thả cá. Theo tính toán, thực hiện sản xuất theo mô hình nuôi trồng kết hợp giúp HTX có thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, gấp 3 lần so với trồng lúa.
Ngoài phát triển trồng chuối kết hợp nuôi thủy sản, xã còn đẩy mạnh phát triển trồng rau màu theo hướng an toàn. Để tạo động lực cho người dân sản xuất, Yên Từ đã tạo điều kiện thành lập HTX nông nghiệp Phúc Long. Hiện, HTX đã hình thành được cánh đồng rau màu rộng 50ha và trở thành mô hình điểm về sản xuất an toàn của huyện.
Theo Ban giám đốc HTX Phúc Long, khi áp dụng kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra cho người dân, thu nhập từ trồng rau màu sẽ cao hơn trồng lúa. Trung bình mỗi sào, người dân có thể thu về 20 triệu đồng.
Để các mô hình kinh tế trên phát triển hiệu quả và bền vững, xã đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn, vận động nhân dân sắm đầy đủ các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Hiện, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp của Yên Từ được chủ động từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, vận chuyển. Phát triển ngành nghề sản xuất được duy trì, mở rộng, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 47 triệu đồng/năm.
Cán đích nông thôn mới
Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Từ chính là động lực giúp các xã khác trong huyện học tập và hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới.
Đặc biệt với xuất phát điểm là huyện nông nghiệp nên muốn nâng cao đời sống cho người dân từ nông nghiệp, không còn cách nào khách là đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất...
Đến cuối năm 2020, toàn huyện đã chuyển đổi được 812,4ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác ước đạt 135 triệu đồng, tăng 26,4 triệu đồng so với năm 2015.
Những con đường hoa là điểm nhấn ở các xã nông thôn mới tại Yên Mô. |
Cùng với quan tâm phát triển nông nghiệp, huyện đẩy mạnh phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn. Các nghề: mộc, nề, sản xuất vật liệu xây dựng, thảm cói, thêu ren... được duy trì, phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động lúc nông nhàn.
Qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến tháng 7/2021, huyện Yên Mô đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1113/QĐ-TTg công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Xây dựng nông thôn mới đã giúp Yên Mô thực sự khởi sắc với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Tính đến tháng 12/2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 51 triệu đồng/năm, tăng 37 triệu đồng so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,75%. Chất lượng lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy.
Vĩnh Bảo