Phát huy tiềm năng, thế mạnh
HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy là đơn vị thí điểm trồng giống lúa P6 tại huyện Lệ Thủy với gần 270 ha. Qua 8 năm triển khai sản xuất theo hệ thống canh tác lúa cải tiến (phương pháp SRI) đã giúp nông dân giảm từ 25 - 30% chi phí, thu nhập tăng trên 30% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Để tạo đà phát triển, UBND huyện đã hỗ trợ 110 triệu đồng để HTX đầu tư máy xay xát, nhà xưởng, hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy”.
Đây là loại gạo sạch, dẻo, thơm hơn nhiều loại gạo sản xuất thông thường và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Quảng Bình) cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đặc biệt, đầu năm 2020, gạo P6 Lệ Thủy của HTX Mỹ Lộc Thượng đã được UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, sản xuất nông nghiệp của huyện Lệ Thủy những năm qua phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn được hình thành, như: mô hình trồng cam Vũ Quang, dứa thương phẩm, sản xuất lúa chất lượng cao, khoai lang, HTX rau an toàn...
Chính vì vậy, việc triển khai chương trình OCOP sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.
Sản phẩm OCOP Gạo Lệ Thủy dễ dàng truy xuất nguồn gốc (Ảnh: TL) |
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Huyện Lệ Thuỷ hiện có 96 HTX, 188 tổ hợp tác, đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu. Chương trình OCOP được xây dựng dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện. Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị do các doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế hợp tác thực hiện. Do đó, Chương trình OCOP mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong huyện phát triển những sản phẩm truyền thống lợi thế, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện được mục tiêu OCOP, nhiệm vụ trước mắt là các địa phương điều tra, khảo sát, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác các sản phẩm thế mạnh ở mỗi vùng, quy hoạch hướng phát triển và xây dựng đề án triển khai thực hiện. Theo đó, Văn phòng Nông thôn mới huyện; Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với VNPT tỉnh Quảng Bình hỗ trợ 15 sản phẩm về nhãn mác, bao bì, logo và tem truy xuất nguồn gốc. Dự kiến khi hoàn thành, các sản phẩm này sẽ đạt tiêu chuẩn 3 sao theo bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP.
Chương trình OCOP mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong huyện Lệ Thủy phát triển những sản phẩm truyền thống lợi thế, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng, với lợi ích của Chương trình OCOP mang lại, năm 2019 vừa qua, Lệ Thủy đã triển khai xây dựng 36 sản phẩm sản xuất theo hướng OCOP: tinh bột nghệ Vân Di, rau Hòa Luật Nam (xã Cam Thủy), mướp đắng sạch xã Hưng Thủy, nén Hoa Thủy, gà đồi Lệ Thủy, mè xửng Hiếu Kiên, ớt bột Hồng Thủy… Theo đó, những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được huyện Lệ Thủy tập trung phát triển căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương và là những sản phẩm có thị trường rộng mở.
“Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, huyện Lệ Thủy quyết tâm xây dựng, triển khai thành công Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”, ông Sơn cho biết.
Hồng Mến