Trong những năm qua, HTX Phú Hải xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững. Hiện, bình quân mỗi tháng HTX cung cấp từ 100-120 tấn hương nhang thành phẩm và nguyên liệu sang thị trường Ấn Độ, thu về hàng trăm triệu đồng.
Mở lớp tại xưởng
Như bao chàng trai trẻ khác, anh Vũ Đức Phú, Giám đốc HTX Phú Hải cũng từng có những khát khao phát triển bản thân. Cách đây gần 20 năm (2003), anh Phú làm kỹ sư cho Tập đoàn Toyota tại Nhật Bản với mức lương ổn định. Nhưng đến năm 2008, do khủng hoảng kinh tế, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp.
![]() |
HTX Phú Hải đang thu được nhiều “trái ngọt” từ đào tạo nghề cho lao động địa phương. |
Từ cuộc tái ngộ bạn bè tại Quảng Ninh, một người bạn Ấn Độ khá bất ngờ khi thấy thị trường nguyên liệu sản xuất hương ở Việt Nam rất phong phú, trong khi đất nước họ lại đang cần một lượng rất lớn. Bằng nhiều con đường, các doanh nghiệp Ấn Độ đã tìm đến với anh Phú, cơ duyên với nghề sản xuất hương cũng nảy sinh từ đây.
Nói là làm, những tháng ngày đầu sản xuất hương nhang vất vả nhưng không làm nhụt ý chí người thanh niên Vũ Đức Phú. Phương pháp làm hương của anh cũng “trái khoáy”, đó là lấy cái sai của người khác để sửa, rút kinh nghiệm ngay từ ban đầu.
Anh đã nghiên cứu rất kỹ cách lựa chọn nguyên liệu, kỹ thuật phối trộn,… để tạo ra thành phẩm. Để có được những kiến thức đó, vị giám đốc này đã từng phải đi thực tế nhiều nơi, học hỏi nhiều chỗ, tỉ mỉ ghi chép, lưu giữ kiến thức, kinh nghiệm của những xưởng sản xuất hương thành công.
Sau khi thạo nghề, tham gia sản xuất và liên kết thị trường Ấn Độ bao tiêu sản phẩm thành công, năm 2011, anh Phú vận động những hộ cùng đam mê thành lập HTX sản xuất và dịch vụ công nghiệp Phú Hải, nay số lượng đã tăng lên đến 20 thành viên.
Khi tham gia vào HTX, các thành viên được các chuyên gia Ấn Độ, kỹ sư trẻ, đào tạo bài bản, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn an toàn lao động trong sản xuất, từ đó ai cũng yên tâm theo nghề.
“Khi dạy nghề, tôi bỏ chi phí nguyên liệu để học viên làm thử, nhưng có nhiều người đang học lại bỏ dở nên chi phí dạy nghề đội lên. Đến khi thấy có người học thành nghề và làm có thu nhập ổn, ai cũng quyết tâm học đến nơi đến chốn”, anh Phú cho hay.
Tính từ năm 2012 đến nay, HTX đã dạy nghề cho hàng 100 học viên, trong số đó đang có 40 lao động thường xuyên làm tại xưởng, với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lê Văn Minh ở tổ 5, khu Vĩnh Tân, công nhân làm tại HTX tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi làm nông nghiệp là chính, thu nhập bấp bênh chả được là bao. Từ khi anh Phú thành lập HTX, tôi xin vào học nghề, học xong được nhận vào làm luôn. Nhờ vậy mà gần 10 năm nay gia đình tôi có của ăn của để, mua sắm được đồ dùng, lo cho con cái ăn học đầy đủ”.
Đánh giá về hiệu quả mô hình dạy nghề, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND thị xã cho rằng: “Nhờ được đầu tư đúng hướng, hoạt động dạy nghề của HTX Phú Hải đã giúp Mạo Khê mang lại những kết quả ấn tượng sau quá trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cho lao động địa phương”.
Công phu nén hương trầm
Theo anh Phú, Ấn Độ là khách hàng tiềm năng, tuy nhiên họ cũng rất khó tính, khắt khe về tiêu chuẩn. Vì thế, ngay từ khi bắt tay vào làm, HTX xác định phương châm “lấy uy tín và chất lượng hàng đầu”, lựa chọn những nguyên liệu “sạch”, tự nhiên như: Vỏ cây cao su, vỏ cây bời lời, bột than hoa,... đảm bảo cho người dùng và góp phần bảo vệ môi trường.
![]() |
Sản phẩm hương tăm được đóng vào thùng để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. |
Trong đó, tất cả đều được chọn lọc, giám sát để tránh nguyên liệu không đảm bảo hay có lẫn tạp chất. Ngay như hợp chất để kết dính tạo nên cây hương thành phẩm cũng được chế biến từ các loại củ, quả chứ không dùng keo công nghiệp. Như vậy, tuy có mất công và chi phí, song chất lượng cũng cao hơn.
Để cho ra sản phẩm hương có mùi thơm đặc trưng, người thợ ở đây trộn chung hỗn hợp gồm: Bột vỏ cây quế, bột cưa, bột dẻo cùng nước, xoay mịn theo tỷ lệ nhất định, thông qua máy kết dính, cọng hương được cho ra với số lượng hàng chục cọng mỗi phút. Đó là sự miệt mài, công phu của những người thợ, là sự hòa trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau.
Anh Lê Minh Quyết, cán bộ kỹ thuật của HTX cho biết, trong các công đoạn làm nhang, trộn bột là khó nhất. Bột phải mịn, độ ẩm phải đạt yêu cầu để có thể bám chặt vào thân nhang, nếu pha trộn không đúng cách thì nhang sẽ không thơm, cháy không đều hoặc tắt nửa chừng. Nếu như trước đây, trộn bột phải dùng tay để nhồi, dùng chân để giậm thì giờ đây, HTX đã đầu tư dàn máy tự động nên tiết kiệm được thời gian hơn.
Tuy nhiên, từ khi xuất hiện dịch COVID-19, thị trường trầm hương xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ gặp khó khăn, từ đó mà nguồn thu cũng giảm theo.
Theo anh Phú, để giữ chân và đảm bảo nguồn thu cho người lao động địa phương, HTX vẫn duy trì 50% lao động chủ yếu làm công việc phối trộn phục vụ cho những đơn hàng đặt sẵn.
“Chủ động vượt “bão” khó khăn, thời gian này cũng là giai đoạn để HTX rà soát lại quy trình, nghiên cứu các mẫu mã mới, tìm kiếm thị trường, chuẩn bị điều kiện phục hồi sau đại dịch Covid-19”, anh Phú nói.
Thời gian tới, HTX Phú Hải sẽ đầu tư thêm nhà xưởng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với đầy đủ hệ thống máy nghiền, trạm điện… và các hệ thống tự động hoàn thiện sản phẩm, tẩm hương, đóng gói thành phẩm, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ…
Tô Thương