Trong thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.
Nhanh chóng thực hiện thư kêu gọi của Chủ tịch nước
Chủ tịch nước khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kỹ năng lao động. Và trên thực tiễn, lực lượng lao động có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển bền vững (Ảnh: Int). |
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương và tri ân những đóng góp lớn lao của người lao động, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước.
Nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 năm nay, Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể người lao động trong cả nước không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc. Lúc này chúng ta còn cần nỗ lực hơn nữa để cùng chung tay vượt qua đại dịch COVID-19.
Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành LĐ-TB&XĐ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.
“Tôi cũng mong rằng cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để vững bước tiến vào tương lai”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước cũng khẳng định có một niềm tin chắc chắn rằng người lao động Việt Nam luôn phát huy tối đa phẩm chất và năng lực của mình để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, góp phần đưa nước ta sớm chiến thắng dịch bệnh và thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng trong giai đoạn tới.
Để thực hiện thư kêu gọi của Chủ tịch nước, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề phổ biến thư của Chủ tịch nước trong các sự kiện của ngành và đơn vị, nhất là dịp hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 và dịp khai giảng năm học mới nhằm kịp thời lan tỏa thông điệp từ lời kêu gọi của Chủ tịch nước đối với công tác phát triển kỹ năng lao động.
Cụ thể hoá những nội dung kêu gọi của Chủ tịch nước trong các hoạt động chỉ đạo điều hành, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch nước ưu tiên nguồn lực, cơ chế, chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.
Tăng cường truyền thông để học sinh, sinh viên và người lao động không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu lao quả lao động trong công việc, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để vững bước tiến vào tương lai.
“Đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu và tổ chức thực hiện Thư kêu gọi của Chủ tịch nước một cách thường xuyên, liên tục, thực chất và hiệu quả nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Chủ tịch nước đã giao”, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.
Chuyên gia quốc tế hiến kế nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam
Để hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10/2021 với thông điệp: “Đồng hành nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước bằng sức mạnh của kỹ năng và năng lực hành nghề”, đồng thời tiếp nối những kết quả đạt được tại Diễn đàn quốc tế về Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 chủ đề “Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam”, chiều ngày 4/10, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo quốc tế tế về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong trong tình hình mới.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế tế về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới (Ảnh: Int). |
Tại hội thảo các chuyên gia đến từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Tổ chức JAVADA Nhật Bản hoặc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản; Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67% (quý I là 2,19%; quý II là 2,40%; quý III là 3,43%), trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng là 2,91% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%; quý III là 3,72%), trong đó khu vực thành thị là 3,78%; khu vực nông thôn là 2,39%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2021 ước tính là 7,85%, trong đó khu vực thành thị là 10,62%; khu vực nông thôn là 6,54%.
Khuyến nghị tới Việt Nam, đại diện ILO cho rằng trong giai đoạn tới đây chúng ta cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và tạo việc làm năng suất. Đầu tư mang tính chiến lược vào các lĩnh vực có thể đóng vai trò nguồn tạo việc làm thỏa đáng và đầu tư để chuyển đổi các lĩnh vực hiện có để tạo ra nhiều cơ hội làm việc tốt hơn.
"Việt Nam cần tập trung hỗ trợ thu nhập hộ gia đình và chuyển dịch thị trường lao động, đặc biệt là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng. Đầu tư vào những chính sách thị trường lao động chủ động, dịch vụ việc làm công được cung cấp cho toàn dân", chuyên gia ILO khuyến nghị.
Lê Thúy