Đây là chia sẻ của PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) với VnBusiness khi đánh giá về "bức tranh" kinh tế trong 9 tháng năm 2021.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,42%, trong đó quý III do tác động của đại dịch COVID-19, GDP ước tính giảm sâu tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này đã phản ánh đúng thực tế mà nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu tác động, thưa ông?
- Tôi cho rằng, những con số về tăng trưởng GDP trong 9 tháng 2021 cũng như trong quý III đã phần nào phản ánh đúng thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực.
Trong gần 3 tháng qua, dịch bệnh đã khiến nhiều địa phương - trong đó có nhiều trung tâm kinh tế lớn của đất nước phải đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy... Do vậy, con số tăng trưởng GDP âm 6,17% trong quý III không hề bất ngờ.
Thậm chí, những số liệu thống kê trên vẫn chưa phản ánh hết những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải. Dù con số này được xem là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Có thể nói, hiện nay, sức chịu đựng của doanh nghiệp đã tới hạn, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh sức cùng lực kiệt, đầu tư và tiêu dùng theo đó cũng bị đứt gãy, suy giảm trầm trọng.
Theo đó, số liệu tăng trưởng âm trong quý III là con số cảnh báo cho chúng ta, cho các nhà điều hành chính sách để nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp thực hiện mục tiêu của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo duy trì phát triển kinh tế, chấp nhận "sống chung" với dịch bệnh, đưa đất nước phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Ông có đánh giá gì về các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Mới đây, UNDP kiến nghị Việt Nam có thể hỗ trợ tăng trưởng, việc làm và thu nhập bằng một chương trình hỗ trợ tiền mặt lớn hơn cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà không sợ lạm phát hoặc tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán? Ông nghĩ sao về đề xuất này?
- Trong bối cảnh doanh nghiệp, người lao động chịu tác động nặng nề bởi đại dịch thì việc triển khai kịp thời các gói hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết để tiếp thêm nguồn lực cho họ.
Song, cũng cần nhìn thẳng thắn một thực tế là các gói hỗ trợ vừa qua vẫn đang triển khai trên quy mô nhỏ, chưa trúng đối tượng cần kích thích. Nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh chưa thể tiếp cận, hoặc có nhận được hỗ trợ thì vẫn còn quá nhỏ để vượt qua khó khăn, tái thiết lại sức sản xuất.
Theo đó, các gói hỗ trợ cần đảm bảo hiệu quả thực tiễn, hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng để kích thích phát triển nền kinh tế sau đại dịch.
Còn về đề xuất gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, tôi cho rằng, đây đang là giải pháp mà nhiều nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ... đã thực hiện. Việt Nam có thể xem xét tới phương thức hỗ trợ này vì chúng ta đã biết khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn, đây cũng là cách thức để hộ kinh doanh cá thể, người yếu thế trong xã hội, người lao động mất việc làm tại các địa phương bị phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội nhanh chóng nhận được hỗ trợ hơn.
Về đầu tư nước ngoài, thời gian qua có nhiều lo ngại rằng việc bị đứt gãy chuỗi sản xuất do dịch bệnh có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ Việt Nam. Tuy nhiên, tổng vốn thu hút FDI trong 9 tháng qua vẫn tăng trưởng hơn 4% so với cùng kỳ, ông nghĩ sao về con số này?
- Việc tăng trưởng thu hút vốn FDI là điều tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng chúng ta cũng cần phải làm rõ rằng vốn đăng ký với giải ngân trên thực tế là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Thẳng thắn mà nói vốn đăng ký là "lời hứa" của nhà đầu tư với chúng ta, tuy nhiên dịch bệnh có thể khiến tiến độ giải ngân bị chậm lại.
Đồng thời, một con số cần lưu ý là trong 9 tháng 2021, vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án so với cùng kỳ năm trước, vốn tăng đến từ một số dự án lớn.
Để nhà đầu tư đẩy mạnh giải ngân, tôi cho rằng phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh, trong tương lai, Chính phủ sẽ điều chỉnh các biện pháp duy trì sản xuất ra sao trong tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn, từ đó giúp nhà đầu tư an tâm.
Tổng cục Thống kê cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt khoảng 3%, theo đó GDP quý IV phải đạt 7,1%. Mục tiêu này có khó thực hiện không, thưa ông?
- Quý IV năm ngoái, nền kinh tế trong nước hoạt động khá ổn định, ngoại trừ hoạt động du lịch quốc tế "đóng băng", còn hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP trong quý IV năm nay trở nên khá thách thức bởi điều kiện kinh doanh năm nay đang khó khăn hơn rất nhiều.
Chính phủ đã đưa ra quyết sách là sẽ "sống chung" với dịch COVID-19, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương vẫn đang duy trì các điều kiện chống dịch rất nghiêm ngặt, phần lớn doanh nghiệp vẫn đóng cửa, việc duy trì sản xuất trở lại cần độ trễ 1-2 tháng, thậm chí lâu hơn do thiếu nguồn lao động, thiếu vốn...
Trong bức tranh kinh tế 9 tháng qua, ngoại trừ xuất khẩu tăng trưởng ổn định thì các chỉ số còn lại đều là những con số đáng lo, trong đó có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sụt giảm tới gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, đời sống người dân khó khăn nên cắt giảm chi tiêu. Các sản phẩm được tiêu dùng mạnh chủ yếu là hàng hóa thiết yếu, dược phẩm...
Với quan điểm cá nhân, ông dự báo GDP năm nay tăng trưởng khoảng bao nhiêu phần trăm?
- Tôi vẫn chưa có tính toán cụ thể nhiều về con số dự đoán, bởi điều này còn phụ thuộc vào biến số của việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, ở quan điểm cá nhân, tôi cho rằng con số tăng trưởng GDP năm nay đạt 3% đã là kịch bản lạc quan. Còn trong điều kiện khó khăn thì chỉ có thể tăng trưởng 1,5% hoặc 2%.
Xin cảm ơn ông!
Lê Thúy thực hiện