Tại Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp đã có phản ánh và kiến nghị về các khó khăn trong sản xuất kinh doanh: Nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất...
Thủ tướng chỉ thị địa phương giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất tại khu công nghiệp. |
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương cũng cần chủ động phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vaccine tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các địa phương dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành các quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quy định về điều kiện sản xuất và cách thức xử lý khi phát hiện người lao động trong khu, cụm công nghiệp nhiễm COVID-19; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn cung cấp kit xét nghiệm để các doanh nghiệp chủ động về vật tư y tế trong kiểm soát phòng, chống dịch.
Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm nay, với ước tính tăng trưởng GDP đạt 3% và 3,5%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị "đóng băng" hoặc đóng cửa, lao động phải được dịch chuyển, đảm bảo khu công nghiệp không thiếu lao động.
"Cùng với quy định về y tế trong điều kiện mới, hy vọng lao động được phép dịch chuyển. Hàng hóa phải được lưu thông giữa các địa phương gồm cả hàng hoá đầu vào và đầu ra hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", ông Phương nói.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn VnBusiness, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhìn nhận, Chính phủ đã đưa ra quyết sách là sẽ "sống chung" với dịch COVID-19, tuy nhiên hiện nay, nhiều địa phương vẫn đang duy trì các điều kiện chống dịch nghiêm ngặt, phần lớn doanh nghiệp vẫn đóng cửa, việc duy trì sản xuất trở lại cần độ trễ 1-2 tháng, thậm chí lâu hơn do thiếu nguồn lao động, thiếu vốn...
Thy Lê