Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều người nhận được hỗ trợ ngay ngày đầu tiên
Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng trong đó có hơn 30.000 tỷ đồng sẽ được dành để hỗ trợ gần 13 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hơn 8.000 tỷ đồng là việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% của doanh nghiệp, hợp tác xã vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 12 tháng.
Người lao động đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. |
Đây được đánh giá là chính sách hỗ trợ rất kịp thời, chưa từng có tiền lệ và mang tính nhân văn trong bối cảnh người lao động, hợp tác xã, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Hứa Minh Đức, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải Đại Thắng II (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho hay, dịch COVID-19 bùng phát đã gây khó khăn chồng chất cho hoạt động kinh doanh của ngành vận tải. Với ngành nghề chính là kinh doanh vận tải hành khách, khi xe phải ngưng hoạt động, không chỉ hợp tác xã đứt nguồn thu, mà đời sống của các tài xế, nhân viên cũng bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy, việc đẩy nhanh chính sách hỗ trợ trên là rất cần thiết.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số liệu thống kê tại 20/63 tỉnh, thành phố trong ngày đầu thực hiện, tính đến 18 giờ 30 phút ngày 1/10/2021, kết quả triển khai Nghị quyết số 116 của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy đã có 3.570 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 10,3 tỷ đồng.
Đồng thời, đã có 137.826 người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/2021 - 30/9/2022) cho khoảng 4.435.184 người lao động với tổng số tiền gần 3.470 tỷ đồng.
Ghi nhận ngay trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện gói hỗ trợ tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, người lao động, người sử dụng lao động trên cả nước đều vui mừng và đánh giá cao gói hỗ trợ đầy tính nhân văn, chia sẻ, kịp thời lần này của Quốc hội và Chính phủ.
Gói hỗ trợ này cũng tiếp tục khẳng định, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được quản lý và sử dụng đảm bảo an toàn hiệu quả, minh bạch. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Chống lạm dụng, trục lợi chính sách
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với tinh thần quyết tâm cao nhất, đến nay ngành Bảo hiểm xã hội đã chuẩn bị đồng bộ các giải pháp, điều kiện cần thiết, sẵn sàng thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Ngay sau khi các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ được ban hành, với nền tảng công nghệ thông tin của ngành, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cũng như Bảo hiểm Xã hội các địa phương phải sẵn sàng, trên cơ sở nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin, mã định danh của từng người tham gia để xác định chính xác số liệu người lao động và người sử dụng lao động thuộc diện được hỗ trợ và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ cho người lao động; chuẩn bị nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ được kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Nhằm kịp thời chỉ đạo thông suốt gói hỗ trợ trong toàn ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chi trả trợ cấp của bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố, đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai để có giải pháp kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực chiện, cảnh báo lạm dụng, trục lợi chính sách…
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ngành Bảo hiểm xã hội đã có danh sách người lao động, doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, hàng năm rồi, bây giờ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 116 của Chính phủ hoàn toàn là khai thác dữ liệu đó, có thể chi trả chính xác từng người.
Ông Lợi chỉ rõ, các cơ quan thực hiện hoàn toàn có thể làm nhanh, chi trả sớm cho người lao động dựa trên danh sách người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã đóng bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. "Trước mắt cứu người lao động trước, sau đó hoàn thiện hồ sơ sau", ông Lợi lưu ý.
Về phương thức giao dịch để triển khai các chính sách hỗ trợ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng (giao dịch trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội không phụ thuộc địa giới hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID) để người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, khuyến khích người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch COVID-19.
Trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, sẽ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung nghiên cứu và có ý kiến đóng góp (nếu có) trên tinh thần thống nhất, đồng lòng, triển khai quyết liệt gói hỗ trợ này đảm bảo nhanh nhất và hoàn thành sớm nhất, hiệu quả, đúng người thụ hưởng. Đặc biệt phải lưu ý phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả triển khai thực hiện, phấn đấu đến ngày 5/10 hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động; trong tháng 10/2021, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị sử dụng lao đông.
Thy Lê