Chị Trịnh Thanh (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đang làm việc tại một công ty may mặc ở tỉnh Bình Dương. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, mỗi tháng chị có thu nhập (lương, phụ cấp, làm thêm) khoảng 8 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 tháng nay, thu nhập giảm xuống chỉ còn 2 triệu đồng/tháng do công ty không có đơn hàng.
Hàng triệu lao động mất việc
Chị Thanh cho biết: "Mức lương như thế không đủ để tôi trang trải cuộc sống. Vì vậy, tôi mong muốn quay trở về quê. Thế nhưng, vấn đề băn khoăn nhất là về quê sẽ làm gì khi trong tay chỉ có mỗi bằng tốt nghiệp cấp 3?".
Bị mất việc ở thành phố, nhiều lao động muốn quay về nông thôn. |
Đây cũng là tình cảnh chung của rất nhiều lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp hiện nay. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).
Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm, 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong quý II/2002, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn giảm 4,9% so với quý I/2020 và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm ở khu vực thành thị.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn TP Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019. Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn TP Hà Nội 6 tháng đầu năm là 2,7%, riêng khu vực nông thôn là 1%.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề
Điều này cho thấy vấn đề cấp bách cần đặt ra là phải đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị mất việc vì COVID-19. Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) cho biết, theo kế hoạch năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đặt chỉ tiêu đào tạo 1,68 triệu lao động nông thôn được học sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo chiếm khoảng 1 triệu người.
Đẩy nhanh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bị mất việc vì COVID-19 là rất cấp thiết. |
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, tác động của dịch COVID-19 đã khiến việc đào tạo chỉ dừng ở con số trên 700.000 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp và các trình độ nghề nghiệp khác.
Vì vậy, đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên cho rằng, 6 tháng cuối năm, các địa phương và cơ sở cần tập trung tăng cường công tác tuyển sinh, đa dạng hoá các hình thức đào tạo, chú ý dành cho các đối tượng lao động nông thôn bị mất việc làm, kể cả các lao động ở các nhà máy, công ty phải nghỉ việc tạm thời.
"6 tháng cuối năm cần nâng cao đào tạo kiến thức kỹ năng cho các đối tượng bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19", ông Độ nhấn mạnh.
Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản hướng dẫn yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc hỗ trợ cho các đối tượng lao động nông thôn bị mất việc vì COVID-19.
Đặc biệt, để công tác đào tạo lao động nông thôn phù hợp với tình hình hiện nay cần phải liên kết với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu. Từ đó, lao động nông thôn có thể vừa học vừa thực tập ngay trên thực tiễn tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, HTX, hiệu quả thu về sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng đề nghị phải tăng cường việc kiểm tra giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay, tại nhiều nơi cũng để xảy ra những sai phạm trong việc tổ chức đào tạo nên các địa phương cần tăng cường giám sát việc này.
Thy Lê