Đau đáu niềm trăn trở làm sao để những người có hoàn cảnh khó khăn có thể vượt qua số phận, làm chủ được cuộc sống của mình, năm 2013, chị Tiết Thúy Hồng (xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc) đã thành lập hợp tác xã (HTX) Hồng Ánh với mục đích dạy nghề may và tạo việc làm cho chị em phụ nữ khuyết tật sau học nghề.
HTX - ngôi nhà của người lao động yếu thế
Dạy nghề cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, thời gian đào tạo nghề thường kéo dài hơn từ 2 - 3 lần so với người bình thường, bởi sức khỏe, khả năng tiếp thu nghề và duy trì làm nghề của người khuyết tật còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết và sự kiên trì, nhiều năm qua, chị Hồng cùng HTX Hồng Ánh đã tổ chức rất nhiều lớp dạy nghề cho chị em trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.
Một lớp học nghề may. |
Không chỉ đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, HTX còn tạo việc làm cho hàng chục lao động là người khuyết tật và phụ nữ đơn thân, trong thời gian học nghề 3 tháng, học viên được hỗ trợ tiền ăn 800.000 đồng/người/tháng. Sau khi học nghề, HTX tuyển dụng làm việc với lương năm đầu 1.500.000 - 2.000.000 đồng/người/tháng.
Số liệu thống kê cho thấy, đến hết tháng 8/2019, toàn huyện Vĩnh Lộc có 35 tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó, có 29 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Là thôn đặc biệt khó khăn của xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), từ năm 2014, thôn Tân Lập đã được Tổ chức GNI (Tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn và giáo dục) lựa chọn hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi gà an toàn thả vườn. Sau 5 năm thực hiện mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong thôn.
Từ nhóm chăn nuôi ban đầu với 7 hộ thành viên tham gia, đến nay đã phát triển lên 18 thành viên, với tổng đàn từ 12.000 - 15.000 con gà thịt và 1.500 gà đẻ trứng, với các loại gà như: Ri Hòa Bình, lai chọi Thanh Lương, Phùng... Các hộ chăn nuôi được UBND xã phối hợp với Tổ chức GNI mở các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia cầm.
Năm 2018 các thành viên đã thành lập HTX dịch vụ chăn nuôi gà đồi Tân Lập, hướng đến sẽ mở rộng quy mô nuôi thả gà đồi lên 30.000 - 40.000 con/năm, gà đẻ trứng 10.000 con/năm, đăng ký chứng nhận VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.
70% lao động nông thôn được học nghề
Sản phẩm gà của HTX Tân Lập được đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp cho các hộ chăn nuôi nâng cao thu nhập, ổn định công ăn việc làm từ việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gà. Ngoài ra, Tổ chức GNI còn hỗ trợ vốn quay vòng, hỗ trợ chăn nuôi theo quy trình VietGAP, hỗ trợ khảo sát thị trường, giới thiệu sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm...
Nhân rộng nghề làm chổi đót. |
Để mở rộng mô hình này, HTX Tân Lập cho biết rất mong các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ xây dựng phương án chăn nuôi hợp quy chuẩn kỹ thuật, đăng ký nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Ngoài các mô hình HTX, huyện Vĩnh Lộc đã duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống, sản xuất, khai thác đá mỹ nghệ - đây cũng là nghề được nhiều lao động địa phương lựa chọn. Tham gia học nghề lao động được đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học ngay tại công ty, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Điển hình là mô hình dạy nghề sản xuất chế biến đá mỹ nghệ xã Vĩnh Minh đã đào tạo trên 300 lao động, trong đó 85% người lao động sau 2 năm làm việc trở thành thợ lành nghề và có khả năng dạy nghề cho người khác.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn góp phần thực hiện tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, huyện Vĩnh Lộc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc dạy nghề cho người nông dân, làm sao để hình thành được một tư duy mới trong lao động sản xuất thay đổi truyền thống đã lỗi thời.
Vì vậy, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng luôn phải gắn với vấn đề giải quyết việc làm. Việc đào tạo nghề cần phải đi vào chiều sâu, đào tạo thực chất những đối tượng thực sự có nhu cầu.
"Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm mới cho hơn 12.000 lao động nông thôn và nâng tỷ lệ người dân được đào tạo nghề lên trên 70% vào năm 2020", Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết.
Thy Lê