Vốn là huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, song những năm gần đây, huyện Bạch Thông đã không ngừng vươn lên, đưa nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ đẩy mạnh công tác đào tạo lao động nông thôn.
Tạo công ăn việc làm cho người yếu thế
Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Bạch Thông, trong năm 2019, huyện được giao kế hoạch đào tạo 8 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956.
Lớp học nghề vừa học vừa thực hành. |
Các lớp học đều dựa trên nguyện vọng của bà con và điều kiện sản xuất mỗi địa phương, như: sửa chữa máy nông nghiệp, trồng và chăm sóc cây mơ, sơ chế chè, nuôi cá, trồng rau an toàn… Đến nay, các lớp học đều đã kết thúc và mang lại hiệu quả thiết thực, 100% học viên biết áp dụng kiến thức mới vào sản xuất. Nhiều hộ còn tự mở trang trại nhỏ, kết hợp sản xuất chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Tương tự, xã Cư Lễ, huyện Na Rì có 30 người khuyết tật, căn cứ hoàn cảnh từng người, huyện đã tổ chức dạy nghề chăn nuôi trâu, bò và làm chổi chít. Huyện hỗ trợ bò sinh sản cho 11 hộ, đến nay đã sinh thêm hơn 10 bê con. Huyện cũng hỗ trợ 100 triệu đồng dạy nghề, thành lập HTX chổi chít Bình An tạo việc làm ổn định cho 4 người khuyết tật với thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng.
Hay những mô hình đào tạo nghề của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cũng đang cho thấy hiệu quả khá cao. Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng tới khâu dạy nghề, đào tạo nghề nhằm xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân. Nhờ cách làm mới, sự liên kết giữa nhiều đơn vị và cá nhân mà hoạt động dạy nghề đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua.
Trong đó, Hội Nông dân đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn, tư vấn hướng dẫn thành lập HTX tại xã Địa Linh, huyện Ba Bể và xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn cho 100 hội viên nông dân. Đến nay, đã thành lập được HTX Thanh Đức và đang xúc tiến thành lập HTX ở xã Đức Vân.
Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức khảo sát và mở 4 lớp dạy nghề cho 123 người tại huyện Pác Nặm, Chợ Đồn và TP Bắc Kạn. Các lớp dạy nghề chủ yếu trồng nấm, chế biến gừng, nghệ, sử dụng thuốc thú ý trong chăn nuôi.
Đặt mục tiêu cụ thể
Theo ông Văn Phúc Thụ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo điều tra, khảo sát từ nhu cầu học nghề của người lao động đến năng lực dạy nghề của các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, kinh doanh để xây dựng đề án dạy nghề sát thực tế.
Đào tạo nghề phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. |
Cụ thể, tỉnh đã xây dựng mới 27 chương trình, giáo trình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, chú trọng nghề phù hợp với trình độ, khả năng, thế mạnh của người dân và địa phương, quan tâm tới các đối tượng chính sách, khuyết tật.
Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã đào tạo nghề cho 24.711 người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, 2.754 hộ cận nghèo và 128 người khuyết tật hầu hết đều có việc làm ổn định sau tốt nghiệp.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết vệc làm cho người dân, đặc biệt là thanh niên vùng dân tộc thiểu số, Bắc Kạn đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong công tác đào tạo nghề thời gian tới.
Theo đó, tháng 5/2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định về kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tỉnh sẽ đào tạo lao động khoảng trên 1.500 người/năm (lao động cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, lao động tại các làng nghề).
Nhằm triển khai có hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên các nghề phục vụ trực tiếp các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX, cơ sở ngành nghề nông thôn. Song song đó, mở các lớp truyền nghề của nghệ nhân gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt chú trọng đào tạo nghề gắn với hỗ trợ phát triển nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn...
Thy Lê