Ông Ngô Văn Hòa, ở thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, cho biết hiện đang nuôi hơn 5.000 con gà ta, trong đó có hơn 2.000 con gà cho trứng, 1.000 con gà nuôi hậu bị, 2.000 con gà tơ. Trung bình mỗi năm ông Hòa lãi gần 200 triệu đồng từ nghề nuôi gà.
Hiệu quả nghề nông
Ông Hòa chia sẻ tầm quan trọng của việc được đào tạo, học hỏi trong lĩnh vực chăn nuôi do chính quyền địa phương tổ chức. Và nhất là muốn nuôi gà hiệu quả thì phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện nghiêm túc các quy trình trong chăn nuôi.
Nhiều lao động nông thôn ở Tuy Phước quan tâm học hỏi nghề chăn nuôi |
Còn ông Trần Đình Tiến, ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước thì cho biết: “Trước đây, tôi nuôi vịt thả đồng, nuôi kiểu này tiết kiệm được một lượng thức ăn khá lớn, nhưng vịt dễ nhiễm bệnh. Đàn vịt mà mắc bệnh thì thiệt hại còn lớn gấp mấy lần cái lợi tiết kiệm thức ăn.
Trong khi hiện nay, theo ông Tiến, nhờ các đợt đào tạo, tập huấn về chăn nuôi nên việc chăn nuôi đã tốt hơn, dễ kiểm soát, phòng bệnh. Mỗi năm, ông nuôi hơn 1.000 con vịt đẻ trứng và hơn 1.500 con gà thịt, lãi hơn 100 triệu đồng.
Điểm chung của những người chăn nuôi thành công ở huyện Tuy Phước có thể gói gọn trong mấy điểm chính: Đầu tư tốt cho con giống, thực hiện đúng quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, tích cực học hỏi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi một cách phù hợp, sáng tạo.
Nghề nông nghiệp ở huyện Tuy Phước thời gian qua đã được đẩy mạnh thông qua việc đào tạo chuyên về nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc. Ngoài ra, huyện còn chú trọng phát triển các nghề trồng nấm, nuôi tôm thẻ chân trắng, tạo dáng cây cảnh; nghề phi nông nghiệp, đào tạo các nghề nghiệp phục vụ nhà hàng, may công nghiệp, đan lát thủ công...
Năm 2019, trên địa bàn huyện đã mở 22 lớp đào tạo nghề cho 873 lao động nông thôn ở các xã Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Hưng, Phước An, Phước Quang, Phước Thuận, Phước Thành, thị trấn Tuy Phước.
Sau khi học nghề, tất cả học viên đều có việc làm, trong đó 291 lao động được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giải quyết việc làm, 142 lao động được các doanh nghiệp, cơ sở SXKD nhận bao tiêu sản phẩm, 440 lao động tự tạo việc làm, góp phần ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện.
Đổi mới hình thức dạy nghề
Việc đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm ở khu vực HTX cũng được huyện Tuy Phước quan tâm phát triển. Nhiều mô hình HTX đang tạo việc làm khá tốt, mang lại thu nhập khá cho dân địa phương. Điển hình như HTX nông nghiệp Phước Hiệp (xã Phước Hiệp) đang tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên.
Bên cạnh đội ngũ lao động chính thức, HTX Phước Hiệp còn tuyển thêm lao động địa phương làm việc theo thời vụ, với số lượng khoảng 200 người/năm, thu nhập được tính theo năng suất công việc.
Chỉ tính riêng năm ngoái, HTX này cung cấp ra thị trường 120 tấn rau các loại, mang về doanh thu trên 1,5 tỷ đồng. Thị trường cung cấp rau của HTX không dừng lại ở trong tỉnh mà còn vươn ra tỉnh Khánh Hòa.
Mô hình trồng rau an toàn của HTX nông nghiệp Phước Hiệp tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương |
Theo ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện, nhiều HTX hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, vừa là cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, tạo động lực, nền tảng vững chắc làm thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Trong vấn đề đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động địa phương hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Tuy Phước cho biết, sẽ đổi mới nội dung, hình thức dạy nghề nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ.
Nhất là đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững. Trong đó ưu tiên tổ chức đào tạo cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, lao động nữ.
Thanh Loan