Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, để tránh lãng phí thì các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) phải tăng cường công tác hướng nghiệp, tăng cường truyền thông để việc lựa chọn nơi học, nghề nghiệp của người học tốt hơn. Mặt khác, các trường phải tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, gắn công tác đào tạo với kết nối doanh nghiệp (DN), nơi SDLĐ, qua đó tạo việc làm để người học yên tâm, khi đó tỷ lệ người nghỉ học, bỏ học sẽ giảm.
Cần con số thống kê
Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH, tình trạng người học đăng ký vào học tại các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề ban đầu khá đông đảo, nhưng trong quá trình học, tỷ lệ người bỏ học giữa chừng, tìm kiếm cơ hội khác còn cao. Đây là vấn đề được đặt ra trong tất cả các trường đại học chứ không chỉ riêng các trường trung cấp hay cao đẳng nghề (gọi tắt là trường dạy nghề) trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lãnh đạo một số trường dạy nghề, có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng như: Công tác truyền thông, hướng nghiệp của nhiều cơ sở đào tạo còn hạn chế. Chất lượng và chương trình giảng dạy; đội ngũ cán bộ giảng viên của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Giáo trình, giáo án, chương trình học chưa bám sát với thực tế. Chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và đơn vị, DN SDLĐ.
Người học chưa định hướng nghề nghiệp khi lựa chọn ngành học, trường học theo đúng sở trường, năng lực. Bên cạnh đó, trong số người học bỏ học giữa chừng có nguyên nhân là chuyển trường, chuyển ngành, tạm dừng học để tham gia xuất khẩu lao động. Một bộ phận học sinh không theo kịp tiến độ cũng như nội dung chương trình học tập, bị điểm kém nên nghỉ học. Việc người học bỏ học giữa chừng gây ra lãng phí tiền của, thời gian, ảnh hưởng đến tổng thể các kế hoạch phát triển chung và bền vững của nhà trường.
Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà tĩnh đang thực hành nghề |
Tìm giải pháp tháo gỡ
Để nâng cao chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng giáo viên phải tạo được sự hứng thú, yêu nghề cho người học, trang thiết bị phải được đầu tư hiện đại và đủ để cho học sinh thực hành và môi trường học tập phải giúp cho học sinh cảm thấy thoải mái. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải lồng ghép định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em hiểu nghề, yêu nghề.
“Trước đây công tác quản lý nhà nước, quản lý người học, quản lý nhà trường và nhất là quản lý, kiểm soát bằng giả, bằng thật, chất lượng dạy và học rất khó khăn. Trước thực tế này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã khai trương hai trang thông tin có địa chỉ tại http://vanbang. gdnn.gov.vn hoặc http:// vanbang.gov.vn nhằm giúp người lao động và DN có thể tra thông tin về bằng giáo dục nghề nghiệp của các trường cao đẳng, dạy nghề”.
Thứ trưởng Lê Quân đánh giá cao Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp khai trương hai trang thông tin quan trọng này. Đây là sự thay đổi về tư duy trong công tác quản lý dạy và học trong giáo dục nghề nghiệp. Thay vì quản lý theo quy trình, quản lý trên giấy thì trang thông tin này ra đời sẽ được quản lý theo hướng số hóa.
Việc quản lý hồ sơ bằng công nghệ số sẽ giúp người SDLĐ đơn giản hóa quy trình tìm hiểu bằng đó là giả hay thật. Tiến tới trang sẽ được cập nhật và quản lý theo hướng số hóa để quản lý và dần hoàn thiện các thông tin về trường dữ liệu để kết nối thông tin nhanh đối với DN như tháng tới, năm tới có bao nhiêu học sinh, sinh viên tốt nghiệp, tốt nghiệp ngành gì để các doanh nghiệp tự tìm hiểu về ngành mà mình có nhu cầu sử dụng, đồng thời giúp cho các nhà trường điều chỉnh ngành đào tạo theo nhu cầu của xã hội.
Phương Nam