Ở huyện Thoại Sơn có HTX Nông nghiệp Vĩnh Trạch tại xã Vĩnh Trạch đang là một hình mẫu liên kết đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho hàng nghìn nông dân tại địa phương.
Đào tạo lao động cho HTX
Thời gian qua, chuỗi liên kết dạy - học - làm của HTX Vĩnh Trạch đã tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã. Hiện, nghề đan ghế nhựa đã phủ khắp cả 7 ấp trong xã Vĩnh Trạch với thu nhập bình quân có thể đạt 200.000 đồng/người/ngày.
Chị Nguyễn Thị Bình là một lao động nông nhàn ở ấp Trung Bình Tiến, sau khi được đào tạo ở HTX trong thời gian ngắn đã nhận hàng đan ghế về nhà làm, giúp tăng thêm thu nhập, đời sống tốt lên.
Một buổi chia sẻ kỹ thuật sản xuất bền vững ở HTX Vĩnh Trạch |
Huyện Thoại Sơn có 14 HTX nông nghiệp với 750 thành viên. Thông qua việc ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX cùng các doanh nghiệp với diện tích đất canh tác 1.954 ha đã giúp tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn trong huyện.
Các HTX này đang quan tâm đến công tác mở rộng thành viên, mở rộng các dịch vụ và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên…
Cùng với huyện Thoại Sơn, các địa phương khác trong tỉnh An Giang luôn chú trọng dạy nghề và tạo công ăn việc làm ổn định cho lực lượng lao động vùng quê.
Hiện, toàn tỉnh An Giang có 22 cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó có 5 trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề.
Trong danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn của tỉnh có 63 nghề, bao gồm 15 nghề nông nghiệp và 48 nghề phi nông nghiệp. Hồi năm ngoái, An Giang đã tổ chức khoảng 461 lớp đào tạo nghề cho 12.000 lao động nông thôn, với kinh phí thực hiện gần 26,2 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã đào tạo 1.107 lao động cho HTX, trang trại, lao động tham gia các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Để tăng năng lực hoạt động của các HTX, trong các năm 2018 - 2020, tỉnh An Giang đã triển khai thí điểm mô hình đưa nhân lực trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX nông nghiệp.
Như năm 2018 - 2019, ở giai đoạn 1 đã có 18 nhân sự có trình độ đại học, cao đẳng được hỗ trợ đưa về làm việc có thời hạn tại 18 HTX nông nghiệp có nhu cầu. Từ tháng 10/2019 đến nay, tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2, hỗ trợ thêm 41 người về làm việc tại 41 HTX nông nghiệp.
Nhu cầu thiết thực
Bên cạnh đào tạo nghề nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang còn phối hợp với các địa phương duy trì và phát triển các làng nghề nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 29 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Mới.
Các làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho 5.056 hộ, với 13.747 lao động địa phương tham gia sản xuất. Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang cho biết trong năm 2020, tỉnh sẽ dành 14,5 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ gần 12,5 tỷ đồng, còn lại là kinh phí địa phương, phấn đấu trên 80% lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề.
Các làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở An Giang |
Theo chuyên gia Lê Thị Kim Chi (trường Đại học An Giang), một trong những tiêu chí hàng đầu thực hiện việc giảm nghèo bền vững của tỉnh An Giang là đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Với tiêu chí này, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã nỗ lực giải quyết việc làm mới và đào tạo đúng hướng theo kế hoạch đề ra.
Nhờ đó, An Giang đã hạn chế được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm. Không những vậy, hướng đào tạo nghề theo “nhu cầu thiết thực” của người lao động nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động và còn phục vụ cho hoạt động của các HTX.
Và một trong những giải pháp đổi mới đào tạo nghề ở An Giang là đưa doanh nghiệp, HTX trở thành chủ thể tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ động tích cực tham gia vào hệ thống này với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình.
Thanh Loan