Những năm qua, Chợ Mới là huyện trọng điểm của tỉnh An Giang về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi tư duy trong canh tác của nông dân, đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học - công nghệ và nhân rộng mô hình điểm.
Phát triển nông nghiệp sạch
Bà Nguyễn Thị Thúy Hậu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Mới, cho biết: “Hơn 10 năm qua, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã thực hiện chuyển dịch gần 5.000 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp, trong đó chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái là gần 3.300 ha”.
Hiệu quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu đất đai giúp huyện Chợ Mới giảm diện tích lúa xuống còn 14.120 ha (giảm hơn 3.200 ha so với năm 2008), đạt giá trị bình quân 114 triệu đồng/ha; tăng diện tích cây màu lên hơn 4.100 ha, đạt giá trị bình quân gần 393 triệu đồng/ha; diện tích cây ăn trái gần 6.700 ha, tăng 5.123 ha, đạt gần 322 triệu đồng/ha.
Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, Chợ Mới xác định nông nghiệp sạch, chú trọng bảo vệ môi trường là điều kiện tất yếu để mở ra hướng đi bền vững cho người dân. Vì vậy, huyện đã đẩy nhanh thực hiện dự án “Sản xuất xoài ba màu quy mô 500 ha theo chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ” ở 3 xã Cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuyên).
Các vùng chuyên canh tập trung theo hướng an toàn gắn với bảo vệ môi trường cũng liên tục được mở rộng trên địa bàn huyện. Hàng loạt mô hình điểm ra đời như mô hình trồng xoài Hòa Lộc của ông Nguyễn Văn Vui (thôn Hòa An), cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm; mô hình trồng lan của bà Bùi Thị Lanh (xã Mỹ Hiệp), cho thu nhập gần 500 triệu đồng/năm…
Điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp huyện Chợ Mới là sự mở rộng về quy mô, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chú trọng sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX ngày càng được nâng cao.
Hiện, toàn huyện có 21 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012, 162 tổ hợp tác, 2 trang trại đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường...
Mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái tại Chợ Mới đang mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường |
Kết hợp du lịch sinh thái
Hiệu quả từ nông nghiệp sạch đang giúp Chợ Mới nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,6 triệu đồng/ người/năm, tăng 28,54 triệu đồng/người/năm so với năm 2008 (đạt khoảng 18 triệu đồng/ người/năm).
Một điều đặc biệt là nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường đang mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện, đặc biệt tại 3 xã Cù lao Giêng, nơi được mệnh danh một “cù lao xanh” mang đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của của người dân vùng sông nước Nam bộ.
Cụ thể, nhiều nhà vườn ở Cù lao Giêng với diện tích canh tác lớn bắt đầu khai thác các nhiều loại hình du lịch để đón khách tham quan, trong đó loại hình du lịch homestay đang phát triển mạnh. Với tiềm năng phát triển du lịch, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển du lịch 3 xã Cù lao Giêng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Ngô Hoàng Hiếu - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho hay: “Để tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch, mở rộng kết nối các tour du lịch tại 3 xã Cù lao Giêng”.
Nhật Minh