Chính thức ra mắt tháng 10/2015, HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng thời điểm đó, nông dân xã An Bình không mấy tin tưởng vào thành công của mô hình HTX kiểu mới này. Nguyên nhân vì trước đây, địa phương cũng có thành lập HTX nhưng hoạt động không hiệu quả. Để xóa bỏ định kiến đó, HTX xác định mang lại lợi ích thiết thực cho từng thành viên là tiêu chí hàng đầu để xây dựng hình mẫu HTX hiệu quả.
Xây dựng mô hình
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết nhằm hỗ trợ HTX xây dựng mô hình kiểu mẫu trong kinh tế hợp tác, tỉnh đã giao Sở NN&PTNT nghiên cứu trang bị cho HTX 4 máy cấy lúa hiện đại, Tập đoàn Lộc Trời trang bị thêm 1 máy cấy lúa để HTX đủ sức cung ứng dịch vụ cấy lúa bằng máy diện tích lớn, tiến tới sản xuất lúa gạo đạt chuẩn chất lượng cao, xây dựng thương hiệu; đồng thời mở rộng thêm các dịch vụ khác, thật sự mang lại lợi ích cho thành viên và HTX.
HTX thực hiện canh tác theo Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) để tăng thêm lợi nhuận (Ảnh IT) |
Trên cơ sở vùng nguyên liệu “Cánh đồng lớn” đã hình thành nhiều năm, Tập đoàn Lộc Trời cử thành viên tham gia vào Ban Giám đốc HTX như một cách cung cấp nguồn nhân lực giúp HTX hoạt động ổn định, tạo thuận lợi hơn trong liên kết hợp tác với nông dân.
HTX đã thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ cày xới, máy cấy lúa, đội phun thuốc, cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp, làm đầu mối thu mua lúa cung ứng cho Nhà máy Lương thực Thoại Sơn (thuộc Tập đoàn Lộc Trời)...
“Bên cạnh cung ứng giống, chúng tôi còn nhận vật tư nông nghiệp từ Tập đoàn Lộc Trời để cung cấp cho thành viên, giá tương đương với đại lý cấp 1. So với mua đại lý cấp 2 hoặc 3, thành viên được hưởng lợi hơn”, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX - ông Công Minh cho biết thêm.
Từ 44 thành viên ban đầu, đến nay, HTX có 68 thành viên tham gia với diện tích 290ha. Trong đó, 121ha liên kết canh tác giống Lộc Trời 18, được chính Tập đoàn này thu mua với giá 6.500 đồng/kg. Diện tích còn lại, HTX sản xuất giống Lộc Trời 1 và OM5451 và được Tập đoàn Lộc Trời thỏa thuận thu mua theo giá thị trường khi đến thời điểm thu hoạch.
Mô hình mẫu để nhân rộng
Cùng với mở rộng quy mô liên kết sản xuất, HTX còn được hỗ trợ trụ sở hoạt động mới rộng rãi, khang trang, nằm trên tuyến đường chính nối từ cầu Mướp Văn (xã Vọng Thê, Thoại Sơn) ra cầu số 5 (xã Vĩnh Bình, Châu Thành), thuận lợi cả đường thủy và đường bộ. Tại trụ sở HTX được bố trí cửa hàng dịch vụ nông nghiệp. Bên cạnh trưng bày, cung ứng vật tư nông nghiệp cấp 1, nơi đây dự kiến còn cung cấp sản phẩm gạo sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn với giá hợp lý cho người dân, doanh nghiệp trong vùng.
HTX trở thành mô hình mẫu để nhân rộng ra các HTX khác (Ảnh TL) |
Đối với dịch vụ thu mua lúa, Nhà máy Lương thực Thoại Sơn cam kết cho tạm ứng đến 70% giá trị hàng hóa sau khi thẩm định chất lượng lúa trên đồng. Phương án giúp HTX có nguồn vốn trả tiền cho thành viên ngay sau khi thu hoạch, không phải chờ vận chuyển về nhà máy, nhập kho, thực hiện các thủ tục, giấy tờ mất đến mấy ngày rồi mới chi tiền như trước đây.
Để tăng thêm lợi nhuận, thu hút thành viên tham gia, HTX còn thực hiện canh tác theo Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) kết hợp xây dựng thương hiệu gạo đạt SRP kèm GlobalGAP. Khi đạt tiêu chuẩn SRP, giá lúa sẽ được bán cao hơn bởi sản phẩm được sản xuất sạch và an toàn. Từ đó, nông dân chính là những người được hưởng lợi trực tiếp.
Trong bối cảnh hội nhập và sản xuất nông nghiệp hiện đại, tỉnh An Giang cho rằng để khuyến khích nông dân tham gia kinh tế hợp tác, cần phải xây dựng hình mẫu HTX hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho từng thành viên. HTX Nông nghiệp An Bình là một trong những nơi đủ điều kiện làm được điều đó. Vì thế, đây sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng ra các HTX khác nhằm thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển.
Khánh Toàn