Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN về việc ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan.
![]() |
Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 được đánh giá là tin vui đối với cả thị trường bất động sản nói chung. |
Trước đó, rất nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp đã bày tỏ rằng một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06 là chưa hợp lý và chưa thống nhất với luật hiện hành.
Đơn cử như Hội Môi giới bất động sản Việt Nam từng kiến nghị thu hồi lại Thông tư 06 và nghiên cứu, ban hành nghị định có nội dung bám sát đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP; Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 06 để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam từng thẳng thắn nêu quan điểm: “Mặc dù các ngân hàng phải lo đảm bảo an toàn, nên chuyện tránh nợ xấu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, riêng với bất động sản, quy định dự án phải đủ điều kiện đưa vào kinh doanh mới được vay vốn là quá đáng!”.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đã ví von, nếu Thông tư 06 đi vào thực thi thì chẳng khác nào một “cú đấm knock - out” đối với cả doanh nghiệp lẫn thị trường địa ốc trong lúc này.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội lý giải: “Trên thực tế, có tới 80 - 90% doanh nghiệp hiện nay không đủ điều kiện tiếp cận với vốn vay của ngân hàng. Trong lúc này, nếu lại tiếp tục hạn chế thay vì “cởi trói” chính sách thì doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM sẽ bị mắc trong khâu huy động vốn để làm dự án; rồi ngay cả những người muốn góp vốn chung với doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện để vay tiền”.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng từng đánh giá việc Thông tư 06 siết tín dụng đối với dự án bất động sản chẳng khác gì cú phanh gấp đánh vào thị trường vốn đã suy giảm này và giống như biện pháp chỉ vì một số rất ít khách hàng gian lận mà đóng sập luôn cả thị trường.
Theo ông Doanh, Ngân hàng Nhà nước cũng có cái lý của họ khi quy định được đưa ra nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo..., qua đó góp phần đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ và an ninh kinh tế. Điều này không có gì sai.
Tuy nhiên, nếu chỉ để giữ an toàn hệ thống tổ chức tín dụng mà hạn chế, thậm chí ngăn chặn doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thì chẳng những “giết chết” doanh nghiệp mà cũng “giết” luôn cả tổ chức tín dụng. Bởi, nguồn tiền huy động được sẽ bị đóng băng trong khi tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi suất tiền gửi cho khách hàng.
“Thực tế không ít ngân hàng thương mại hiện nay như đang ngồi trên đống lửa, vì tiền gửi huy động được nhiều mà giải ngân cho vay rất ít”, ông Doanh cho hay.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Điệp đánh giá bản chất những quy định trong Thông tư 06 là rất tốt, rất hay, chỉ là chưa phù hợp với giai đoạn khó khăn như hiện nay của thị trường địa ốc.
Do đó, chuyện gia này đánh giá việc Thông tư số 10/2023/TT-NHNN vừa được ban hành ngày 23/08/2023 là động thái rất kịp thời từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khi đã lắng nghe đầy đủ các ý kiến đóng góp.
“Nếu chiếu theo quy định cũ thì sẽ tồn tại nhiều rào cản quá lớn, ngăn cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận dòng vốn. Vì vậy, phải nói rằng, đây là thông tin quá vui đối với cả thị trường bất động sản nói chung khi không chỉ “cởi trói” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn với cả những người mua thực”, ông Điệp phấn khởi nói.
Nhu cầu vốn không được cho vay đã chính thức ngưng hiệu lực đối với các khoản: Khoản 8. Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Khoản 9. Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. Khoản 10. Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: a) Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay; b) Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó". Thông tư số 10/2023/TT-NHNN |
Hà Trang