Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), mặc dù các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nhưng thời gian qua có rất nhiều vấn đến liên quan đến công tác quản lý, điều hành, khai thác các dự án PPP gây không ít bức xúc trong dư luận.
Kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT và BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách như: Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Một số nguồn thu, chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án PPP chưa được hướng dẫn quản lý.
KTNN kiến nghị thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng và giảm hàng trăm năm đối với các dự án PPP, BOT, BT (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quan kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hàng trăm năm đối với các dự án BT, BOT, đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.
Ông Lê Tùng Lâm, Phó Chánh Văn phòng KTNN cho biết, trong 3 năm 2016-2019, KTNN đã kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông.
KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% - 13% giá trị được kiểm toán.
Trong 84 dự án, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày.
Kiểm toán khoảng 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% - 29% giá trị được kiểm toán, thậm chí trong các dự án được kiểm toán, tổng thời gian đề nghị cắt bớt thời hạn thu phí lên tới 170 năm…
Ông Lê Tùng Lâm cho rằng nếu các dự án BOT, BT không được kiểm toán có thể dẫn tới số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong khi ngân sách nhà nước bị thiệt hại.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án theo hình thức PPP thời gian qua là do hành lang pháp lý có những khoảng trống và chồng chéo, các quy định pháp lý chi tiết liên quan đến dự án PPP còn chưa rõ ràng…
Để chống thất thoát, lãng phí trong các dự án PPP, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng Quốc hội cần sớm ban hành Luật PPP.
Trong đó, Nhà nước tập trung nghiên cứu lựa chọn các dự án tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại cao để thực hiện theo mô hình PPP; tăng cường tính minh bạch trong tất cả các khâu của dự án, đảm bảo công khai thông tin về dự án; tăng cường giám sát và kiểm soát các hợp đồng dự án trên nguyên tắc tôn trọng các thỏa thuận của Nhà nước và các nhà đầu tư.
Để các dự án PPP hoạt động hiệu quả, cần phải phát huy vai trò của kiểm toán nói chung và KTNN nói riêng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, trách nhiệm của KTNN cần kiểm toán toàn bộ dự án như các dự án đầu tư công chứ không chỉ đơn thuần kiểm toán phần tài chính công, tài sản công để tránh thất thoát tài sản và ngân sách của nhà nước.
“Nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì khó có thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình như thế nào là phù hợp...”, ông Hiền nhấn mạnh.
Phạm Minh