Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Đại biểu Dương Văn Phước (trái) và đại biểu Hoàng Văn Cường (phải) đã có màn tranh luận làm nóng nghị trường sáng 28/10. |
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu tình trạng nhu cầu bất động sản tăng, nguồn cung khan hiếm, các lực lượng tham gia thị trường tranh thủ đẩy giá lên cao để kiếm lời, một trong số đó là những người tham gia đấu giá cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc
Để kiểm soát tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng biện pháp tăng tiền đặt cọc. Tuy nhiên đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nếu tăng tiền cọc thì sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh.
Thay vào đó, đại biểu đề nghị cần có quy định bổ sung, yêu cầu người tham gia đấu giá chứng minh năng lực tài chính, đủ khả năng mua được tài sản đấu giá nếu trúng.
“Có thể dùng tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác để minh chứng khả năng có thể huy động vốn, và phải cam kết nếu như trúng đấu giá mà bỏ cọc thì sẽ bị xử lý”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng quy định này sẽ loại bỏ được những người không có khả năng thanh toán, chỉ tham gia đấu giá để mua đi bán lại, đặc biệt là những người bỏ giá cao rồi bỏ cọc.
Ông Cường cũng đề nghị nội dung này nên được đưa vào trong Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”
Tranh luận với đại biểu Hoàng Văn Cường về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Phước, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng cần nâng mức đặt cọc hiện nay.
Ông Phước phân tích một số phiên đấu giá cao bất thường tại Quảng Nam và Hà Đông, Thanh Oai (Hà Nội) diễn ra vừa qua có nguy cơ "chắc chắn" bị bỏ cọc. Mục tiêu của người đấu giá là thắng bằng được để lũng đoạn, đẩy giá lên cao.
“Theo quy định của pháp luật thì mức đặt cọc tối đa là 20% giá khởi điểm. Họ sẵn sàng bỏ cọc để đạt được ý đồ độc quyền, đưa giá lên cao, từ đó gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến những công trình đầu tư… Đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ lũng đoạn và thị trường đấu giá thành nơi để trục lợi. Chúng ta cần nghiêm trị”, đại biểu chỉ ra.
Do đó, ông Phước cho rằng cần nâng giá đặt cọc để tránh ‘'thầu tặc”. Bên cạnh đó, cần tăng tiền đặt cọc với từng vòng đấu theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc. Ngoài ra, cần có chế tài mạnh để cấm các đối tượng này tiếp tục tham gia đấu giá trên các lĩnh vực.
Về ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường liên quan tới việc phân loại, đánh giá năng lực của người tham gia đấu giá, ông Phước cho rằng khó thực hiện, ''thực ra, trong từng phiên đấu giá chúng ta không thể đánh giá kịp".
Tiếp tục tranh luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường bảo lưu quan điểm cho rằng không nên tăng phí đặt cọc tuy nhiên cần tăng điều kiện tham gia đấu giá.
“Cái này phải làm ngay từ bước nộp hồ sơ, chứ không phải vào cuộc rồi mới bổ sung. Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện, thời gian cho người tham gia chuẩn bị, cũng như cơ quan quản lý đấu giá kiểm soát”, ông Cường cho biết ý kiến của mình đồng nhất với ý kiến của đại biểu Dương Văn Phước về ngăn chặn việc bỏ giá cao và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp bỏ cọc.
Đỗ Kiều