Trả lời câu hỏi của báo chí về việc khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng đối với các dự án BOT của cao tốc Bắc - Nam, tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019 ngày 1/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định vấn đề BOT là “rất nóng”.
Mỗi dự án cần hàng nghìn tỷ đồng
Hiện, việc cho vay đối với các dự án hạ tầng giao thông đều bị các ngân hàng thương mại siết chặt vì không ít rủi ro thực tế đã xảy ra trong thời gian qua. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án BOT giao thông đang bị đình trệ, chậm thông xe theo kế hoạch.
Điển hình, dù vừa mới thông xe, nhưng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn lại rơi vào tình cảnh… cao tốc cụt. Dự án này có tổng chiều dài hơn 100km nhưng mới hoàn thành được hơn 60km, số còn lại chưa thể triển khai vì ngân hàng chưa tài trợ cho phần vốn tín dụng hơn 3.400 tỷ đồng của dự án.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận các dự án BOT trước đây chủ yếu chỉ dừng lại ở các khoản vay khoảng 3.000 tỷ đồng trở lại, nhưng nhiều dự án BOT thời gian qua đã vượt xa con số này. Chẳng hạn, với cao tốc Bắc - Nam, lượng vốn tín dụng cần huy động cho mỗi dự án đều lên tới 7.000 - 8.000 tỷ đồng, hay như dự án Trung Lương – Mỹ Thuận cần hơn 12.000 tỷ đồng vốn…
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ vừa có chỉ đạo đấu thầu rộng rãi trong nước dự án cao tốc Bắc – Nam mà không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Trước thông tin trên, nhiều ý kiến lo ngại liệu ngân hàng có đáp ứng đủ nhu cầu về vốn của dự án? Chưa kể thời gian qua, NHNN siết tăng trưởng tín dụng, đồng thời một số nhà băng được xem như “cánh chim đầu đàn” trong ngành ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn chủ sở hữu.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, không chỉ có dự án cao tốc Bắc – Nam cần nguồn vốn lớn, hàng loạt dự án BOT giao thông khác ở phía Bắc cũng cần được giới ngân hàng quan tâm như đường từ Chi Lăng lên đến Hữu Nghị (Lạng Sơn) dự kiến cần khoảng 8.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Cao Bằng cũng đề xuất con đường từ Đồng Đăng lên Trà Lĩnh ước 20.000 tỷ đồng; đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La) cần khoảng 22.000 tỷ đồng.
Ông Tú cho biết riêng dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, VietinBank đã cung ứng hơn 8.000 tỷ đồng vốn vay. Hay như dự án Trung Lương - Mỹ Thuận cần hơn 12.000 tỷ đồng, với nguồn vốn quá lớn như vậy phải huy động 4 ngân hàng cùng tham gia, trong đó VietinBank là 3.400 tỷ đồng, Agribank: 1.000 tỷ đồng, BIDV: 1.500 tỷ đồng, VPBank: 1.280 tỷ đồng.
Lãnh đạo NHNN khẳng định với nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng ở mỗi dự án BOT, các ngân hàng phải tính toán, cân đối nguồn thanh khoản.
Mỗi dự án BOT gần đây cần vay vượt quá con số 3.000 tỷ đồng |
Nỗ lực thu xếp vốn
“Đó là một nỗ lực và quyết tâm cao của các ngân hàng thương mại, các ngân hàng rất trách nhiệm với những dự án trọng điểm quốc gia, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp đang có các dự án BOT”, ông Tú khẳng định.
Theo quy định từ đầu năm 2019, các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, và tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30% thời gian tới. Tuy nhiên, hầu hết các dự án BOT giao thông lại vay vốn dài hạn từ 10-15 năm.
Chưa kể, theo quy định mới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của các ngân hàng, đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng
Ngoài ra, hệ số an toàn vốn (CAR) cũng là một vấn đề: nếu các ngân hàng cho vay không kịp bổ sung vốn tự có cũng khó có khả năng cho vay cao.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng giải ngân vốn cho các dự án BOT giao thông có vốn vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể trách nhiệm tín dụng cung ứng cho các đơn vị khác, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ là thách thức cho các ngân hàng.
“Với các dự án cao tốc Bắc - Nam, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm, sẽ cố gắng trong điều kiện, khả năng cân đối nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương cũng cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…”, ông Tú nhấn mạnh.
Huyền Anh