Trên thị trường thế giới, giá dầu thô đã quay trở lại đà tăng trong phiên giao dịch sáng ngày 4/3, sau khi giảm 2% vào phiên trước. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,16% lên 109,31 USD/thùng vào lúc 7 giờ 10 phút (giờ Việt Nam). Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,09% lên 110,51 USD/thùng.
Xem xét biến động giá 2 ngày/lần để xin ý kiến Thủ tướng
Trả lời câu hỏi về việc có nên điều hành giá xăng dầu sớm hơn quy định, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết hiện công tác điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện theo đúng quy định. Trước đây, theo Nghị định 83, giá xăng dầu được điều chỉnh 15 ngày/1 lần và hiện nay thực hiện 3 lần/tháng (10 ngày một lần) theo Nghị định 95 của Chính phủ (có hiệu lực từ 2/1/2022).
Đặc biệt trong Nghị định 95 có quy định, trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân thì liên Bộ Công Thương, Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định có điều chỉnh hay không và điều chỉnh ở mức độ nào?.
2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương-Tài chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu để có phương án điều chỉnh giá phù hợp. |
Vừa qua, do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, 2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương-Tài chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định tại Nghị định 95 hay không.
Ông Hải cho biết Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị với các cơ quan liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: Kiến nghị ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được Bộ Công Thương phân giao bổ sung.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu đối với các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối nhập khẩu theo hạn mức đã được Bộ Công Thương giao…
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ trục lợi và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu", ông Hải khẳng định.
Trao đổi với VnBusiness về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1, cho biết vấn đề này đã được Bộ Công Thương kiến nghị. Theo quan điểm của ông, có thể rút ngắn kỳ điều chỉnh xuống 3-5 ngày/một lần là hợp lý. Hiện nay, giá dầu thô thế giới lên hàng ngày.
Muốn linh hoạt thì phải có thị trường cạnh tranh
Tuy nhiên, đại diện Xăng dầu Tự Lực 1 Hà Nội cũng cho biết, vấn đề thay đổi kỳ điều hành vẫn gặp khó khăn do phụ thuộc vào chu kỳ giá nhập từ các nước là 10 ngày. Còn với doanh nghiệp, giá thế giới lên cao, thời gian điều chỉnh càng ngắn thì càng tốt. Như vậy, doanh nghiệp đầu mối, phân phối bán lẻ sẽ không phải đối mặt với tình cảnh càng bán càng lỗ như hiện nay.
Hiện nay, ông Tiu cho biết các doanh nghiệp đầu mối đang giảm mức chiết khấu về mức rất thấp, nếu tính cả vận tải, chi phí vận hành, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang chịu lỗ vài trăm đồng khi bán mỗi lít xăng dầu. Chưa bao giờ người kinh doanh xăng dầu lại rơi vào cảnh khốn khó như vậy.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu đảm bảo kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu khi giá thế giới có biến động, giúp cho các doanh nghiệp đầu mối chủ động hơn trong việc đặt đơn hàng nhập khẩu xăng dầu. Từ đó hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, xem xét việc để giá xăng dầu tự điều tiết theo cơ chế thị trường.
Về vấn đề này này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng giá xăng dầu Việt Nam cần phải có sự điều hành linh hoạt hơn so với biến động của thị trường thế giới, tránh có độ trễ trong việc điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Độ cho rằng Nhà nước cần tạo lập một thị trường cạnh tranh để cơ quan quản lý không cần can thiệp vào giá cả xăng dầu, tự thị trường quyết định. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng mạnh như thời gian qua, rõ ràng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã không có nhiều tác động trong việc bình ổn thị trường. Theo đó, tương lai cần xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, theo hướng bỏ sự can thiệp của Nhà nước trong việc điều hành giá thông qua Quỹ Bình ổn giá.
Chuyên gia Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, để làm được điều này thì phải có thị trường xăng dầu cạnh tranh, với số lượng đông đảo doanh nghiệp tham gia, thị phần không bị chi phối. Hiện nay, thị phần của Petrolimex vẫn chiếm rất lớn - khoảng 50% trong ngành xăng dầu - rõ ràng chưa có sự cạnh tranh thì không thể bỏ sự can thiệp của Nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Độ cho rằng chúng ta vẫn chưa thể mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu. Trong khi đó, quan điểm của ông nhìn nhận đây là điểm nên làm, điều này sẽ giúp thị trường xăng dầu tại Việt Nam tốt hơn, có lợi cho người tiêu dùng.
Thy Lê