Báo cáo diễn biến giá cả hàng hóa trong nước tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương cho biết do có thời gian trùng với các dịp lễ lớn trong năm như Tết Nguyên Đán, lễ Rằm tháng Giêng, nhu cầu thực phẩm tăng nên giá một số mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản) tại một số thời điểm có xu hướng tăng so với tháng trước đó.
Bộ Công Thương đề nghị xem xét lại công thức tính giá cơ sở xăng dầu. |
Tuy nhiên, ngay sau đó, nhìn chung hầu hết giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã quay trở lại mức bình thường như tháng thường trước Tết. Giá một số mặt hàng rau, củ tăng nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại và mưa nhiều tại một số tỉnh phía Bắc.
Riêng giá một số mặt hàng rau gia vị (hành, thì là…) hoặc giá một số loại rau củ cuối vụ (súp lơ, su hào) tăng nhưng không tăng đột biến; giá một số loại rau củ, hoa quả được cho là có tác dụng phòng chống dịch bệnh COVID-19 (gừng, xả, tía tô, cam sành…) hiện cũng tăng cao hơn so với ngày thường do tình hình số ca nhiễm tại các tỉnh tăng mạnh và diễn biến phức tạp, nhu cầu tăng.
Đáng chú ý, nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu cũng có xu hướng có tăng theo xu hướng giá thế giới. Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 21/2/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/1/2022 tăng từ 1.570 – 2.562 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 9,59% - 14,04%.
Để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ năm 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
Trước đó, ngày 1/3, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng hơn 500 đồng/lít/kg. Đây là lần tăng giá thứ 6 liên tiếp, thiết lập mức cao kỷ lục nhiều năm qua.
Cụ thể, xăng E5RON92: không cao hơn 26.077 đồng/lít (tăng 545 đồng/lít so với giá hiện hành); Xăng RON95-III: không cao hơn 26.834 đồng/lít (tăng 547 đồng/lít). Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 21.310 đồng/lít (tăng 509 đồng/lít); Dầu hỏa: không cao hơn 19.978 đồng/lít (tăng 469 đồng/lít); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 18.468 đồng/kg (tăng 536 đồng/kg).
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã trình Chính phủ đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu được Chính phủ thông qua, đề xuất này sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Hiện nay, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu bao gồm: Thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được quy định đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như E5, E10 chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cầu trong xăng sinh học. Mức thuế này đều được quy định "cứng" trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế đối với xăng hiện chiếm khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức chiếm khoảng 5-8% mức giá cơ sở.
Nhật Linh