Chiều 3/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Đến tháng 4 mới triển khai được gói đầu tư công
Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới...
Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022. |
Về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, hầu hết các bộ, cơ quan và địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, trong đó xác định thứ tự ưu tiên và thời hạn hoàn thành; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, cơ quan này đã có Báo cáo tình hình công tác của bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Kết quả cho thấy, so với yêu cầu, tiến độ của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ thì cơ bản các bộ, ngành, địa phương đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong việc tổng hợp công tác triển khai.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết khó khăn chủ yếu tập trung ở phần về đầu tư công, do liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục về việc phê duyệt các dự án.
"Tiến độ cũng như công tác tổng hợp các dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hiện nay có chậm hơn một chút. Nguyên nhân chính là do đối với gói liên quan đến đầu tư công liên quan đến rất nhiều các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau, thường có sự chờ đợi lẫn nhau", ông Phương nói.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đã có ý kiến đề xuất Chính phủ về việc chỉ đạo trong thời gian tới theo hướng có thể cho các bộ, ngành, địa phương nào xong trước thì tổng hợp, trình Thủ tướng; bộ, ngành nào hoàn thiện sau thì trình sau.
Bên cạnh đó, ông Phương cũng cho biết, đối với đầu tư công, cần phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác cụ thể. Do vậy, cơ bản đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư.
Đến tháng 4, 5 mới có thể triển khai được gói đầu tư công trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. |
Về lưu ý với các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng KH&ĐT cho rằng đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP rất chi tiết với các khoản mục cụ thể cũng như là các nhiệm vụ cụ thể giao cho từng bộ, ngành, địa phương có liên quan gắn với tiến độ, thời gian cũng như các hình thức triển khai thực hiện.
Vì vậy, Bộ KH&ĐT rất mong muốn các bộ, ngành, địa phương giám sát các nhiệm vụ được phân công theo Nghị quyết 11 để triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả, có như vậy thì hiệu quả của Chương trình được phát huy cao nhất có thể.
Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tác động tới thu ngân sách, CPI ra sao?
Bên cạnh đó, liên quan tới vấn đề nguồn cung ứng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất, nên Bộ Công Thương đã quyết định tăng lượng nhập khẩu, nhằm đảm bảo từ quý II/2022 có đủ nguồn cung xăng dầu.
"Kể cả khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa đáp ứng được sẽ tăng cường nhập khẩu, cố gắng đáp ứng cao nhất mức nhu cầu của người dân", ông Hải nhấn mạnh.
Về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện vẫn thực hiện theo Nghị định 95 là 10 ngày/lần, trong trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng kinh tế - xã hội và đời sống người dân, thì sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh.
Còn về ý kiến đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 2 ngày/lần, cơ quan chức năng liên quan sẽ họp bàn, nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng về việc thay đổi thời gian điều chỉnh.
Liên quan đến đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi các bộ ngành liên quan để xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, xăng được đề xuất mức giảm sâu nhất là 1.000 đồng/lít, dự kiến thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 3.000 đồng/lít, thay cho mức hiện hành là 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có chung đề xuất với mức giảm là 500 đồng/lít, diesel còn 1.500 đồng/lít, dầu hỏa 500 đồng/lít, dầu mazut 1.500 đồng/lít, dầu nhờn 1.500 đồng/lít, mỡ nhờn 1.500 đồng/kg.
Đánh giá tác động của việc giảm thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết với sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2022 giả định tương đương năm 2019 thì số thu thuế bảo vệ môi trường giảm 14.524 tỷ đồng, tác động giảm thu ngân sách nhà nước, gồm cả thuế VAT là 15.976 tỷ đồng, thu ngân sách bình quân 1 tháng giảm 1.331 tỷ đồng. Tính riêng nếu áp dụng chính sách này từ 1/4/2022 thì giảm thu ngân sách khoảng 11.982 tỷ đồng.
Về tác động CPI, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, với giá bán lẻ ổn định như mức hiện tại, thì giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân là 0,6-0,7%.
Nhật Linh