Tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, những ngày này đã có một số hộ thu hoạch vải u trứng trắng. Vải u trứng trắng có vị thơm, cùi dày, quả to, mọng. Loại vải này sản lượng không lớn như các loại vải u hồng, u gai, tàu lai và vải thiều chính vụ.
Theo chính quyền địa phương, để đạt chất lượng cao nhất, vải u trứng trắng sẽ cho thu hoạch đúng thời điểm vào tuần tới. Do trà vải này sản lượng không nhiều và cho thu hoạch sớm nhất, nên có giá bán cao. Tại các nhà vườn, nhiều khách quen đã đặt mua trước với giá 100.000 đồng/kg, cao hơn vải thiều chính vụ khoảng 40.000 đồng/kg.
Ngoài Hải Dương, Bắc Giang và Đắk Lắk cũng là những vùng trồng vải với quy mô lớn và đang đồng loạt cho thu hoạch.
![]() |
Được mùa được giá, người trồng vải tại nhiều địa phương phấn khởi. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, thời điểm này vải đã đồng loạt chín đỏ rực. Anh Lê Văn Thưởng, 31 tuổi (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) - một trong những hộ trồng vải lâu năm với 15 ha vải U hồng, cho hay, tại địa phương cây vải phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, không tốn nhiều chi phí, năng suất ổn định và đặc biệt là cho thu hoạch sớm hơn các vùng khác.
Năm ngoái, mỗi hecta vải của gia đình anh Thưởng cho sản lượng khoảng 15 tấn quả. Nhờ trồng vải, nhiều hộ nông dân tại xã Ea Sar thu lãi từ 200 triệu đến cả tỷ đồng mỗi hecta (tùy theo giá bán và sản lượng). Không chỉ vậy, cây vải còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Anh Vi Văn Biển (quê tỉnh Bắc Giang) – thương lái chuyên thu mua vải – cho biết, hiện giá vải dao động từ 55.000 – 65.000 đồng/kg. Vải ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk được mùa, sản lượng cao năm ngoái. Anh Biển thu mua vải để xuất khẩu sang Trung Quốc, một phần còn lại tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh.
Còn tại Tân Yên, Bắc Giang, vải cũng đã bắt đầu chín. Dù chưa vào chính vụ, nhưng năm nay có nhà vườn đã nhận được đơn đặt hàng 200 tấn xuất đi Hoa Kỳ và 500 tấn xuất đi châu Âu.
Theo đại diện tỉnh Bắc Giang, các vườn đều có kết quả khả quan với tỉ lệ đậu quả hơn 80%. Nhiệm vụ trọng tâm để xuất khẩu thuận lợi là cần kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và Công Thương các địa phương cũng cần lên kịch bản để ứng phó với các biến động thị trường.
Hiện, trái vải của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm tới 90% tổng sản lượng xuất khẩu. Các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu đã chủ động phối hợp với cơ quan liên ngành và cơ quan kiểm dịch của nước nhập khẩu, để tạo điều kiện thông quan nhanh chóng cho các lô hàng cao điểm vào tháng 6.
Hồng Hương