Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Xăng dầu tác động đến nhóm giao thông vận tải như đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, tác động đến giá xăng dầu trong nước, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần, hôm 1/3 là lần tăng giá thứ 6 liên tiếp của mặt hàng này từ đầu năm đến nay. Việc tăng giá xăng dầu luôn tác động đến giá cả hàng hóa, đặc biệt những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như dịch vụ vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Bộ Tài chính đã có kịch bản điều hành giá bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Giá xăng dầu tăng cao tác động đến giá cả hàng hoá, gia tăng áp lực lên lạm phát. |
Bộ Tài chính mới có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành đề nghị tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giá cả và tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải pháp cung cầu tạo nguồn tiêu dùng trong nước. Phương án điều chỉnh thuế, phí cũng đã được tính tới.
Để kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, Quỹ bình ổn giá xăng dầu lại không còn dư địa để hỗ trợ thì việc Liên Bộ Công Thương - Tài chính cân nhắc giảm các loại thuế, phí trên giá xăng dầu là cần thiết.
Theo các chuyên gia, giảm thuế bảo vệ môi trường là công cụ hữu hiệu nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu, nhưng nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng mức giảm phải đủ mạnh mới có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...
Đại diện một doanh nghiệp vận tải chia sẻ: “Chúng tôi rất mong chờ việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ được sớm triển khai, nên mạnh dạn đề xuất Chính phủ bãi bỏ và tạm dừng áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tức là miễn giảm 100% và tính toán giảm thêm một số sắc thuế khác như thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu".
Liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng đã đề xuất các đơn vị xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa diễn biến bất thường để thu lời bất chính.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tới giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đang chịu áp lực do giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Đối với mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, vừa qua có tình trạng mặt hàng kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm, dư luận rất quan tâm. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng kit-test.
Về dự báo tình hình trong quý II và 10 tháng còn lại năm 2022, Phó Thủ tướng nhận định, áp lực lạm phát tăng cao, cần phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên, các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/thùng). Hiện nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, “lường trước tình huống xấu hơn” để có giải pháp ứng phó phù hợp.
T.H