Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá hiện là 75%. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá tỉ lệ thuế thuốc lá trên giá bán chỉ chiếm 38,8% nên giá bán thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp so với các nước như Singapore là 69%, Thái Lan là 70%...
Tỉ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi trưởng thành khá cao, chiếm trên 42%. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, ngoài thuế theo tỉ lệ như hiện nay, thuốc lá sẽ chịu thêm thuế tuyệt đối nữa.
Theo đó, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá rất cao với 2 phương án và Bộ Tài chính chính nghiêng về phương án 2.
Bộ Tài chính đề xuất từ năm 2026, áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mỗi bao thuốc lá là 5.000 đồng, năm 2030 là 10.000 đồng. |
Phương án 1: năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng thụ động. Mỗi năm, khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết nhiều biện pháp được đưa ra như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2016-2019, nhưng tỉ lệ người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm ít, từ 47,4% ở nam giới vào năm 2010 xuống 42,7% vào 2022. "Một trong những lý do chính là giá thuốc lá của Việt Nam còn thấp, đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia theo đánh giá của WHO", ông Quỳnh nói.
Đồng thuận với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, song các chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần phải cân đối nhiều lợi ích như người trồng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo sức khỏe của người dân.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam góp ý, Bộ Tài chính cần nghiên cứu một cách thận trọng phương án, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. "Mức tăng thuế cần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngân sách của nhà nước", bà Cúc nói.
Tại một hội thảo gần đây, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá lo ảnh hưởng tiêu cực nếu thuốc lá bị áp thêm thuế. Đại diện Công ty thuốc lá Thăng Long dẫn số liệu từ Hiệp hội thuốc lá cho biết 85% mặt hàng này tại Việt Nam ở phân khúc dưới 15.000 đồng một bao. Ngoài thuế suất tương đối ở mức 75%, doanh nghiệp sẽ phải nộp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 2%, bảo vệ môi trường 60 đồng, dán tem 18,18 đồng cho mỗi bao thuốc. "Nếu tính thêm thuế tuyệt đối lần này, tối đa 10.000 đồng một bao (chiếm 66% giá bán hiện tại), đây sẽ là mặt hàng chịu thuế cao nhất", vị đại diện này cho biết.
Do đó, đại diện từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc "áp mức thuế tuyệt đối vừa phải, lộ trình hợp lý". Cụ thể, đề xuất tính thuế tuyệt đối 1.000 đồng một bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng mỗi năm vào những năm tiếp theo.Thuế tuyệt đối đến 2030 theo kiến nghị của doanh nghiệp nên là 3.000 đồng/bao, bằng khoảng 30% mức Bộ Tài chính đưa ra. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, ổn định sản xuất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, ngân sách.
Thanh Hoa