Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định chi tiết về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ áp dụng đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất cần có quy định rõ ràng về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Theo nội dung dự thảo của Bộ Tài chính, cá nhân kinh doanh hoặc chủ hộ kinh doanh có nợ thuế quá hạn trên 120 ngày với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được áp dụng nếu đơn vị nợ thuế quá hạn trên 120 ngày với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên.
Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9/2024, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. |
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh ngay đối với cá nhân, chủ hộ kinh doanh và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, nhằm thu hồi nợ thuế cho ngân sách nhà nước.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh qua phương thức điện tử đến người nộp thuế. Trường hợp không thể gửi thông báo qua phương thức này, thông tin sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Nếu sau 30 ngày kể từ khi thông báo, người nộp thuế vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Từ cuối năm 2023, ngành thuế đã tăng cường áp dụng biện pháp này, đặc biệt với các trường hợp nợ thuế lớn, tổng cộng khoảng 15.602 tỷ đồng. Gần đây, người đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Hàng không Việt (Bamboo Airways) và Trung Nam Group đã bị tạm hoãn xuất cảnh do đang có khoản nợ thuế chưa thanh toán.
Nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp nợ thuế cần được điều chỉnh hợp lý hơn, bởi có trường hợp số tiền nợ thuế chỉ vài trăm nghìn đồng cũng bị áp dụng. Do đó, việc quy định rõ ngưỡng nợ thuế cụ thể để áp dụng biện pháp này là cần thiết.
Lý giải về đề xuất sửa đổi, Bộ Tài chính cho biết, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ... cũng áp dụng chính sách hạn chế xuất cảnh đối với các cá nhân có nợ thuế lớn và thời gian nợ kéo dài, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.
"Từ cuối năm 2023, biện pháp này được tăng cường áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế nhưng không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Kết quả, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã tự giác nộp khoản thuế nợ kéo dài nhiều năm để được gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh," đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu áp dụng quy định này, cả nước sẽ có khoảng 380.000 cá nhân thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh. Trong trường hợp ngưỡng nợ thuế được điều chỉnh lên mức 50 triệu đồng đối với cá nhân, chủ hộ kinh doanh và 500 triệu đồng đối với doanh nghiệp, số trường hợp sẽ giảm còn khoảng 81.000 người. Nếu ngưỡng này tăng lên 100 triệu đồng cho cá nhân và 1 tỷ đồng cho doanh nghiệp, số trường hợp bị ảnh hưởng sẽ còn khoảng 40.000 người.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc chọn thời gian nợ thuế trên 120 ngày là nhằm đảm bảo công tác thu hồi nợ hiệu quả, tăng cường tính tuân thủ, và tránh tình trạng dây dưa khó thu hồi nợ. Đồng thời, việc này cũng hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế và duy trì nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 21.366 trường hợp bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh, trung bình mỗi tháng có 2.374 trường hợp. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9/2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với số tiền thuế nợ 50.665 tỷ đồng và đã thu được 1.844 tỷ đồng từ 2.873 trường hợp bị tạm hoãn. Riêng năm 2023, có 2.411 trường hợp bị thông báo với tổng số tiền thuế nợ 6.719 tỷ đồng.
Thanh Hoa