Theo thống kê từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc năm 2020 đạt trên 95,6 triệu USD; năm 2021 đạt trên 128,4 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 21.450 tấn, tương đương 66 triệu USD. Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc xếp thứ 8 trong 10 nhà nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam.
Chưa tận dụng được thế mạnh
Theo chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc, ông Tôn Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề cà phê Trùng Khánh, cho biết nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm vì nhu cầu thưởng thức cà phê của người dân tăng. Chính vì vậy, tiềm năng nhập khẩu cà phê Việt Nam của Trung Quốc còn rất lớn.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc không ngại khám phá những lối sống mới cũng là một đặc điểm thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến sâu tại thị trường này.
Nắm bắt điều này, hiện đã có một số thương hiệu Việt Nam chinh phục thị trường Trung Quốc nhờ đầu tư cho chế biến sâu như Trung Nguyên, An Thái, Phương Vi, K+…
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong tổng số 21.450 tấn cà phê của Việt nam xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2022, lượng cà phê nhân là 13.098 tấn (24 triệu USD), cà phê rang xay, hòa tan, 3 trong 1 là khoảng 8.352 tấn (41 triệu USD); chiếm 62% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho cà phê Việt trong quá trình chinh phục thị trường tỷ dân.
Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có những tín hiệu khả quan nhưng đó mới là bước khởi đầu. Thực tế, cà phê của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn chủ yếu là cà phê Robusta dưới dạng thô (cà phê nhân), thường có giá thấp trên thị trường cà phê thế giới. Giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt 2.250 USD/tấn, trong khi giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình trên thế giới đạt gần 3.600 USD/tấn, từ đó cho thấy sự chênh lệch không hề nhỏ về giá trị lợi nhuận.
Xuất khẩu thô nhiều cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng Trung Quốc chưa hiểu rõ tầm ảnh hưởng của cà phê Việt Nam. Trong khi Trung Quốc được đánh giá là thị trường trị giá hàng trăm tỷ USD. Ưu thế của Việt Nam lại là nước láng giềng, lân cận nên vận chuyển thuận lợi hơn, cung đường ngắn hơn.
Ông Tôn Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề cà phê Trùng Khánh, cho biết các doanh nghiệp ở Trùng Khánh hiện chủ yếu nhập cà phê Robusta của Việt Nam về để chế biến, pha trộn vì có lợi thế về giá, vận chuyển. Hiện, quy mô cà phê của Trùng Khánh đạt khoảng 3-5 tỷ Nhân dân tệ/năm nên nhu cầu nhập khẩu lớn.
Bà Vương Diễm Hoa, Phụ trách cà phê của Tập đoàn Sunwah HongKong, cũng cho biết do đầu tư vào chế biến sâu nên doanh nghiệp này chủ yếu có nhu cầu nhập các loại cà phê hạt, cà phê nhân từ Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn mở thêm doanh nghiệp chế biến, sản xuất cà phê tại Thủ Đức (TP. HCM) nhằm tận dụng nguồn nguyên dồi dào của Việt Nam, giúp tiết giảm chi phí. Thực tế này cho thấy sự “nhanh chân” và hướng đi bài bản của các doanh nghiệp Trung Quốc trước lợi thế về vùng nguyên liệu của Việt Nam.
Chuẩn bị kỹ từng bước
Theo các chuyên gia, để tận dụng được thị trường Trung Quốc thì ngoài bán thô, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực chế biến. Bởi dù có khoảng cách vận chuyển ngắn hơn so với các nước châu Âu nhưng nếu chỉ chú trọng xuất thô thì đồng nghĩa với việc gia tăng khối lượng hàng hóa, từ đó gia tăng chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp, HTX. Trong khi người dân Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng cà phê chế biến sâu, cà phê pha chế sẵn chất lượng cao.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là quan điểm về cà phê chất lượng cao và cà phê thông thường trên thị trường hiện nay có sự khác biệt. Hiện, cà phê chất lượng cao được đánh giá từ Mỹ và châu Âu nên họ cho rằng cà phê Robusta là không tốt, chưa bảo đảm chất lượng, vị chua.
Chính vì vậy, theo ông Ly Wilson, đại diện tập đoàn cà phê Trung Nguyên tại Thượng Hải, các doanh nghiệp, HTX Việt Nam muốn chế biến Robusta thành các sản phẩm chất lượng cao thì cần có tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng để khẳng định giá trị trên thị trường.
“Thực chất người tiêu dùng Trung Quốc cũng rất ưa chuộng loại cà phê này vì dễ uống, không chua. Và thực tế đã có 1 chuyên gia người Mỹ đến Trung Quốc khi được thưởng thức cà phê sữa đá hòa tan của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã thốt lên rằng từ trước đến giờ chưa từng được thử một ly cà phê nào ngon như vậy”, ông Ly Wilson dẫn chứng.
Cho nên, muốn có tiêu chuẩn cụ thể cho dòng cà phê sản xuất từ Robusta, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng Việt Nam cần đưa các sản phẩm chế biến tiếp cận sâu khách hàng từ các nhà hàng trường học, quán tạp hóa, các chuyên gia… để thay đổi nhận thức, từ đó có những đánh giá và xây dựng tiêu chí cụ thể.
Một khó khăn hiện nay chính là chi phí logistics gia tăng, để giảm bớt áp lực trong quá trình vận chuyển, doanh nghiệp Việt Nam thay vì vận chuyển cà phê bằng đường biển thì có thể tìm hướng đi mới bằng đường sắt vì hiện đường sắt ở Trung Quốc rất phát triển.
Theo ông Tôn Chính, hiện có tuyến đường sắt từ Hà Nội- Trùng Khánh- Matxcơva (Nga) và tuyến Lào-Trùng Khánh. Đặc biệt tuyến đường sắt Lào sang Trùng Khánh có giá rẻ hơn từ Hà Nội -Trùng Khánh nên doanh nghiệp có thể cân nhắc phương thức vận chuyển này. Còn vận chuyển đường biển đến Khâm Châu (Quảng Tây) thì sau đó, doanh nghiệp vẫn phải dùng đường sắt vận chuyển đến Trùng Khánh và các tỉnh thành khác nên chi phí cao hơn.
Hiện nay, ngoài nhập khẩu cà phê của Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu cà phê từ nhiều thị trường khác như Brazil, Indonesia, và nhập cà phê chế biến sẵn từ Mỹ, các nước châu Âu. Chính vì vậy, dù được đánh giá là thị trường tiềm năng cho Việt Nam xuất khẩu cà phê nhưng cũng phải thấy rằng thị trường Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Chính vì vậy, khi tỷ trọng đầu tư cho chế biến sâu vẫn còn khiêm tốn, các doanh nghiệp Việt nên chú trọng đến chất lượng cà phê xuất khẩu, dù đó là cà phê thô.
Chẳng hạn như việc doanh nghiệp chú trọng phân loại cà phê theo các cấp độ rõ ràng hơn sẽ giúp giảm tải các chi phí vận chuyển và tăng giá trị lợi nhuận, khẳng định được thương hiệu.
Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường lớn nên để tiêu thụ thuận lợi, nhất là đối với các sản phẩm cà phê chế biến sẵn, các doanh nghiệp nên áp dụng đa dạng các cách tiêu thụ để tận dụng nguồn khách hàng rộng lớn.
Ông Ly Wilson, cho biết Trung Nguyên đang áp dụng các cách tiêu thụ khác nhau như tiêu thụ từ đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa hay bán hàng bằng hình thức livestream. Đặc biệt, hình thức bán sản phẩm cho các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán lẻ đang phát huy tác dụng hiệu quả vì qua hình thức tiêu thụ từng gói nhỏ, sẽ giúp doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng mục tiêu.
Tùng Lâm