Quả thực, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã hấp dẫn không ít “tay chơi” hàng đầu thế giới trong ngành tìm đến.
Song, cũng có không ít thương hiệu rời bỏ “cuộc chơi” như Beyeu, Deca, Foodpanda…_và_nhiều doanh nghiệp (DN) rút lui lặng lẽ. Phải chăng đây là hệ quả của một cuộc cạnh tranh khốc liệt, mà các “tay chơi” toàn là “đại gia”?
Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao
Theo một nghiên cứu khác của Neilsen vừa công bố, ba năm trở lại đây, bức tranh TMĐT Việt Nam mới thực sự khởi sắc, mức độ mua sắm trực tuyến của người dân đang có những thay đổi lớn. Riêng năm 2017, mức tăng trưởng đạt 25%.
Ngoài ra, hãng nghiên cứu tư vấn Savills cũng từng dự báo quy mô thị trường Việt Nam trong 4 năm tới có thể đạt đến 10 tỷ USD. Tỷ lệ người mua sắm thông qua TMĐT đã tăng từ 5,4% lên 8,8% tổng dân số thành thị tại bốn thành phố chính chỉ trong vòng một năm qua. Cùng với đó, giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống.
Trong nước, bên cạnh một số tên tuổi đã khá quen thuộc với người tiêu dùng như: Tiki, Vật Giá, FPT Shop…, gần đây nhiều “ông lớn” đã gia nhập “cuộc chơi” với số vốn đầu tư khổng lồ như: Vingroup, Thế giới Di động, Điện máy Nguyễn Kim.
Ra đời vào đầu năm 2015, Adayroi đã được VinCommerce, một thành viên_của Vingroup, xây dựng thành mô hình đại siêu thị điện tử – “tất cả trong một”, cung cấp nhiều ngành hàng đa dạng, từ những hàng hóa giá trị lớn như bất động sản, đến những mặt hàng có giá trị thấp như các sản phẩm tiêu dùng…
“Sinh sau đẻ muộn” hơn Adayroi, vuivui.com cũng được Thế giới Di động đặt mục tiêu trở thành trang TMĐT lớn ở Tp.HCM, sau đó là toàn quốc.
Sức hấp dẫn của thị trường này không chỉ “lôi kéo” sự quan tâm cao độ của các tập đoàn và DN lớn trong nước, nhiều thương hiệu nước ngoài đã mau chóng “đổ bộ”, trong đó phải kể đến những cái tên như: Lazada và Shopee… đang “làm mưa làm gió” trên thị trường.
Gần đây, một số cái tên lớn đến từ nước ngoài như Rocket Internet (Đức), Rakuten (Nhật) cũng bắt đầu tìm kiếm thị phần trong lĩnh vực được đánh giá là tiềm năng nhất trong tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam này.
Sự quan tâm cao độ của các tập đoàn và DN lớn nước ngoài khiến cho “miếng bánh” thị phần đang được vẽ lại. Thị trường không còn thuộc về DN trong nước nữa mà đã có sự cân bằng về tương quan lực lượng, dành cho cả DN nội và DN ngoại.
Thời gian đầu mới thành lập, website Cungmua.com, Nhommua.com, Shipto.vn từng là những địa chỉ mua sắm quen thuộc đối với người tiêu dùng, tuy nhiên, 8 năm sau đã dần bị lu mờ bởi những cái tên mới.
Thống kê của Google cho thấy, hai trong số ba trang TMĐT tại Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2017 là của DN nước ngoài, đó là Lazada và Shopee |
Vẽ lại “miếng bánh” thị phần
Mới đây, công ty Cát Đông – sở hữu 3 website Cungmua.com, Nhommua.com, Shipto.vn đã “bắt tay” với Tập đoàn Scroll đến từ Nhật Bản để bán lại 26,9% cổ phần. Theo đó, Cát Đông và Scroll sẽ cùng phát huy tối đa nguồn lực quản lý, thế mạnh của cả hai để cùng đẩy mạnh hoạt động ở thị trường Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu thị trường, mỗi năm, những tên tuổi chiếm thị phần lớn phải chi tiêu tốn hàng trăm ngàn USD cho Google, Facebook và các công ty quảng cáo khác để thu hút khách hàng._
Ngoài ra, hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận mua sắm online do giá rẻ hơn mua hàng truyền thống chứ không hẳn vì sự thuận tiện vốn là ưu điểm chủ yếu của phương thức mua sắm này.
Một số DN đã nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, thời gian đầu chấp nhận lỗ để hạ giá bán thấp hơn giá thị trường, hay có những chính sách khác biệt như miễn phí vận chuyển, vận chuyển giá rẻ… để lôi kéo khách hàng.
Nhiều khách hàng cho biết chọn Lazada vì liên tục có các chương trình giảm giá sâu cho khách hàng, khách hàng được chọn hình thức vận chuyển giá rẻ, nhanh…
Riêng Shopee tiên phong trong việc cho phép người bán và người mua có thể trực tiếp giao tiếp với nhau khi mua sắm. Tính năng này là một trong những lợi thế độc đáo tại thị trường Việt Nam, giúp người mua giải quyết nhu cầu được tư vấn, đồng thời người bán cũng có cơ hội chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Ngoài ra, kênh bán hàng này có chương trình miễn phí vận chuyển với đơn hàng hơn 100 nghìn đồng trở lên.
Thống kê của Google cho thấy, hai trong số ba trang TMĐT tại Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2017 là của DN nước ngoài, đó là Lazada và Shopee.
Chính vì đầu tư vào TMĐT quá tốn kém và chưa am hiểu thị trường Việt Nam, thói quen của người tiêu dùng, nên các DN không đủ tiềm lực để bám trụ lâu dài sẽ dễ rơi vào tình trạng chấp nhận phải ra đi, mà Beyeu, Deca, Foodpanda… là ví dụ điển hình.
Tất cả những điều này cho thấy, TMĐT ở Việt Nam đúng là rất tiềm năng, nhưng để trụ được, các nhà đầu tư phải có tiềm lực mạnh, chấp nhận lỗ trong thời gian đầu và phải kiên trì nỗ lực nếu muốn thu được “quả ngọt”.
Thanh Hoa