Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, ngành TMĐT Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Bên cạnh DN, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web TMĐT trong nước, khiến cho thị trường này ngày càng sôi động.
Còn nhiều vướng mắc
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), chia sẻ có biết một nhóm người bán hàng trực tuyến ở Việt Nam chuyên xuất khẩu áo thun ra nước ngoài, cụ thể là sang Mỹ.
“Họ xuất khẩu đến người tiêu dùng cuối cùng, đáp ứng nhu cầu của từng người một. Doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, đáng tiếc họ là cá nhân chứ không phải DN. Vì vậy, để họ chia sẻ kinh nghiệm là khá khó khăn. Một phần vì họ sợ bị truy thu thuế”, ông Hưng cho biết.
Ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills Tp.HCM, cho rằng bên cạnh những trang mua sắm đang thể hiện rõ tính chuyên nghiệp khi đầu tư bài bản như Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki…, vẫn còn tồn tại các loại hình mua sắm qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo…
“Việc nhà nhà bán hàng, người người bán hàng này có quy mô dù nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn. Quan trọng hơn, chi phí của hoạt động này không đáng kể và những chính sách thuế vẫn chưa tác động đến đối tượng này, hay nói cách khác là các đối tượng này chưa bị thu thuế”, ông Bình nhấn mạnh.
Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập DN, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, thừa nhận trong quá trình phát triển TMĐT ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay xuất hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế.
Trong đó, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động TMĐT hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Chưa kể việc quản lý cá nhân kinh doanh trên trang mạng xã hội còn nhiều bất cập. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.
Trong khi đó, hiện nay chưa có chế tài bắt buộc các DN phải sử dụng hóa đơn điện tử. Vì vậy, cơ quan quản lý thuế gặp khó khăn trong việc quản lý kê khai. Cũng như khó khăn trong việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế hoạt động kinh doanh TMĐT, nhất là trong nền kinh tế chia sẻ, ví dụ như loại hình kinh doanh của Uber, Grab hiện nay vẫn đang còn tranh cãi nhiều, chưa có quyết định cuối cùng về việc đây là loại hình kinh doanh gì.
Làm sao để thu được thuế mà vẫn khuyến khích kinh doanh thương mại điện tử?
Để thuế không là tận thu
Mặt khác, theo VECOM, một phần hoạt động mua bán trực tuyến không dùng tiền mặt là điều kiện cần khác đối với quản lý thu thuế TMĐT. Chừng nào tỷ lệ thanh toán khi nhận hàng còn cao thì việc thu thuế đối với mua bán trực tuyến còn chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, VECOM cho rằng việc khuyến khích mọi đối tượng kinh doanh có uy tín bán hàng trực tuyến sẽ góp phần tạo ra nhiều khách hàng hơn và nguồn thu từ thuế chắc chắn sẽ tăng lên. Chính vì vậy, làm thế nào để thuế không phải là tận thu mà ngược lại – thúc đẩy tạo ra nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến là vấn đề đang chờ những người làm luật giải quyết.
Để giải quyết tình trạng thất thu thuế, khó quản lý thuế TMĐT, VECOM kiến nghị cơ quan thuế cần tập trung tuyên truyền phổ biến để khuyến khích DN cũng như người nộp thuế tự giác kê khai nộp thuế thu nhập.
Đối với bán hàng trên Facebook, Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế Tp.HCM cũng đã bắt đầu triển khai đến hàng chục nghìn tài khoản đề nghị các chủ tài khoản đến tự kê khai nộp thuế.
Đồng thời, bà Mai cho rằng cần sửa đổi một số quy định của các Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế… hướng tới mục tiêu khung pháp lý để áp dụng phổ biến và phù hợp thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các mô hình thu thuế điện tử, khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử để 100% người nộp thuế tiếp cận được với các giao dịch này.
Thy Lê