Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) vừa đưa ra cảnh báo tình trạng vi phạm quyền lợi NTD trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra thường xuyên, phổ biến, với những hành vi chủ yếu là: Hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ hàng hóa, giá cả…
Hiện đại nhưng đầy rủi ro
Từ thực tế tiếp nhận khiếu nại và giải quyết các phản ánh của NTD tại cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xã hội về bảo vệ NTD, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết hình thức mua sắm này đang mang lại nhiều tiện ích cho NTD, song cũng tiềm ẩn rủi ro.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, bản chất của việc mua hàng online là NTD không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng của sản phẩm, nên rủi ro đầu tiên mà NTD gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.
Chị Châu (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết chị hay mua hàng trên mạng. Có lần chị đặt mua USB 256GB nhưng nhận được USB 128GB. Khi chị Châu phản hồi lại sàn thương mại điện tử đó thì họ vẫn khẳng định gửi đúng sản phẩm. Quá bức xúc, chị Châu phản ánh lên Hội Bảo vệ NTD và cũng phải mất hơn 1 tháng mới được đổi đúng sản phẩm.
Trường hợp “đau đầu” về sai lệch nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm cũng khiến nhiều người ngán ngẩm với mua hàng online. Chị Mai Lan (quận Cầu Giấy) từng mua một chiếc váy thương hiệu Zara, được ghi xuất xứ tại Mỹ, với giá 1.500.000 đồng. Hàng đến tay, chị Lan tá hỏa với chiếc váy như một chiếc bao tải, đường kim mũi chỉ xộc xệch, vải nhăn nhúm.
Thực tế, NTD không thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa khi mua sắm online. Mọi giao dịch được thực hiện trên cơ sở niềm tin. Vì vậy, khi gặp người bán không có uy tín, NTD sẽ có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong một số trường hợp, NTD sẽ gặp rủi ro về giá cả. Chị Hà, nhân viên kế toán, cho biết chị hay mua mỹ phẩm trên mạng. Có lần chị đặt mua mặt nạ nhau thai cừu trên Lazada giảm giá 40%, từ 500.000 còn có 300.000 đồng/hộp. Quá mừng vì đợt giảm giá lớn, chị Hà định đặt mua. May thay, chị cẩn thận đối chiếu giá trên Shopee thì phát hiện web này rao bán sản phẩm chỉ 210.000 đồng/hộp.
“Rõ ràng sản phẩm này đã bị “làm giá” cao rồi dùng chiêu giảm mạnh đến 40% nhưng vẫn cao hơn giá bên sàn Shopee bán. Tôi thật sự thất vọng với cách làm giá ảo này”, chị Hà chia sẻ.
Ngoài ra, một số khách hàng còn phản ánh họ nhận được hàng chậm hơn với thời gian cam kết khi đặt hàng, hàng nhận được bị vỡ, hỏng; chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán…
Người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín
Làm sao để tránh bị lừa
Trong trường hợp này, Phòng Bảo vệ NTD (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD) cho biết, với những sàn giao dịch điện tử lớn như Lazada, Shopee, nếu khách hàng phản hồi sẽ được đổi, trả sản phẩm. Tuy nhiên, với các địa chỉ facebook, zalo…, NTD sẽ chấp nhận mất tiền mua sản phẩm hỏng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%, khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62 - 200%.
Hiện nay, việc mua sắm của NTD rất đơn giản, nhanh gọn và linh hoạt. Chỉ cần vài thao tác nhấn chuột, hoặc lướt nhẹ trên điện thoại thông minh là dễ dàng sở hữu những món đồ ưa thích.
Cách thức mua sắm trực tuyến của NTD cũng khá đa dạng: NTD có thể mua sắm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến hiện nay như: Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Hotdeal.vn, Zalora.vn, Tiki.vn, Adayroi.com, Lotte.vn...
Ngoài ra, NTD có thể mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội như facebook, Instagram, zalo... hay mua hàng qua chương trình quảng cáo trên tivi (tiến hành giao dịch qua điện thoại).
Tuy nhiên, để mua sắm trực tuyến thực sự là hình thức mua sắm mang lại nhiều tiện ích, bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD khuyến cáo, NTD cần chủ động tiêu dùng một cách thông thái và tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này.
NTD nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Ngoài ra, tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, như: Bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…
Bên cạnh đó, NTD có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: Nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng;
Đặc biệt, NTD cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ, như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin NTD trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho NTD, hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của NTD.
Thanh Hoa