Sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… trong thời gian qua đã và đang cho thấy việc mua sắm online không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ.
Xu thế mua sắm trực tuyến
Ngoài ra, thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi số người Việt tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng đông đảo như Facebook, Zalo, một thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương… đang dần hình thành xu hướng tiêu dùng mới – mua bán online. Việc mua bán online được ví như mảnh đất màu mỡ và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác.
Trong một báo cáo nghiên cứu của CBRE Việt Nam gần đây thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại Tp.HCM và Hà Nội cũng cho thấy: 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế, trong khi 45-50% số người được hỏi cho rằng sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng, thường xuyên hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh chiều hướng đi lên của bán hàng online, liệu hàng Việt có giành được lợi thế gì trước xu hướng này? Vào tuần qua, trong một hội thảo bàn về sự chuyển mình của doanh nghiệp (DN) Việt do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM tổ chức, ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh công ty Haravan, đưa ra cảnh báo: DN Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt khi hàng hóa ngoại nhập vào theo con đường TMĐT.
Ông Tiến cho biết có rất nhiều DN có lợi thế về phân phối, bán lẻ thông thường, nhưng làm TMĐT lại không biết bắt đầu từ đâu. Trong khi đó, do TMĐT ngày càng phát triển và tiện lợi, nên hành vi mua sắm của khách hàng cũng thay đổi mạnh.
“Người mua hàng rất dễ dàng tìm kiếm được thông tin người bán hoặc nhà cung cấp trên mạng, với mô tả sản phẩm, nguồn gốc và giá cả rõ ràng, cộng với việc người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trên đất nước thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng cũng sẽ được ship (vận chuyển, giao hàng) đến tận nhà”, ông Tiến chia sẻ.
Chính vì thế, lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý hay giá cả của DN Việt đều giảm mạnh vì khách hàng rất dễ dàng tìm được nhà cung cấp giá tốt hay chất lượng hơn.
Cũng nên nhắc đến kết quả khảo sát của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao mới đây cho thấy xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ.
Việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt |
Hành động đã quá muộn?
Nếu như kết quả khảo sát hồi năm ngoái về nơi chọn mua sản phẩm cho thấy mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%, thì chỉ sau một năm, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%).
Kết quả khảo sát còn thể hiện tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được người tiêu dùng lựa chọn mua online, trong đó chọn mua online ngày càng nhiều các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị – đồ điện tử kỹ thuật cao; đồ chơi – dụng cụ thể thao; mỹ phẩm; chăn mền, drap, gối, rèm cửa; dụng cụ làm đẹp; văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang (chiếm tỷ lệ 10 – 30% người tiêu dùng chọn mua online).
Theo ông Liêu Hưng Tiến, cách đây khoảng 10 năm sẽ khó hình dung câu chuyện người tiêu dùng có thể đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam, nhưng những năm gần đây có thể nhập hàng từ nước ngoài về dễ dàng thông qua công cụ như Amazon, Alibaba, Lazada… và đó là thách thức của các DN sản xuất tại Viêt Nam.
“Có thể nói, đây là một sự thay đổi rất lớn và chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Nó sẽ thay đổi vĩnh viễn môi trường kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều DN Việt, đó là hàng hóa từ Trung Quốc”, ông Tiến lưu ý thêm.
Một ví dụ điển hình như Tập đoàn Alibaba đã mua Lazada hơn một năm trước. Kế hoạch mở rộng thị trường của Alibaba vào Đông Nam Á đã công bố vài năm trước, hiện tại, kho ngoại quan của tập đoàn này đã xây dựng ở biên giới Lạng Sơn hơn hai năm và sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong 1 – 2 năm nữa.
Lazada đã công bố bắt đầu mua được hàng hóa từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Như vậy, điều gì đến cũng đã đến, hàng hóa trên hệ sinh thái B2C, C2C của Alibaba như Taobao, 1688… rồi sẽ được kết nối lên trang Lazada phân phối đến người dân Việt Nam tại mọi miền và ngóc ngách của đất nước.
Điều này được cho là cũng xảy ra tương tự với các ngành sản xuất, du lịch… chứ không chỉ riêng bán lẻ, bởi người Việt Nam cũng có thể dễ dàng đặt gia công, booking tour du lịch thông qua các công ty của các nước khác như: Traveloka, Booking…
Theo giới chuyên gia, nguy cơ lớn nhất của các DN Việt hiện giờ trước “hàng ngoại online” là “khi nhận ra mình cần phải hành động thì đã quá muộn”.
Trong lúc các mối đe dọa và nguy cơ tiềm ẩn đang hành động rất nhanh, thì các DN Việt Nam đa phần chỉ mới dừng lại ở việc hô hào mà chưa có hành động thực tiễn. Khi đối thủ đã đến bên cửa nhà, chúng ta mới bắt đầu hành động và nhận biết việc này thì đã quá muộn!
Thế Vinh