Đây là khó khăn vừa được Bộ Công Thương cho biết tại báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2021.
Thiếu container rỗng sẽ tiếp tục gây khó cho hoạt động xuất nhập khẩu. |
Báo cáo đánh giá mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao 22% trong quý I/2021. Đồng thời, mức tăng trưởng này cũng tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia tăng 8,56%, Singapore tăng 1,1%, Hàn Quốc tăng 10,5%, Nhật Bản tăng 9%, Thái Lan giảm 1,16%...
Trong quý I/2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 2,03 tỷ USD, qua đó hỗ trợ tích cực cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự phục hồi trở lại (tăng 4,9% so với cùng kỳ), trong khi khối FDI tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng chung (tăng 28,5%).
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chilê tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%... Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 22,1% trong 3 tháng đầu năm nay.
Cùng với nhu cầu tăng trở lại, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Gạo tăng 18,6%, đạt 547 USD/tấn; cà phê tăng 6,8%, đạt bình quân 1.801 USD/tấn; chè tăng 10,2%, đạt bình quân 1.604 USD/tấn; cao su tăng 14,1%, đạt bình quân 1.660 USD/tấn; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 9,3%. Đặc biệt, giá hạt tiêu tăng mạnh nhất, tăng tới 31,5%, đạt bình quân 2.879 USD/tấn.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cảnh báo xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến gia tăng của dịch COVID-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác.
Trong đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. "Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp", Bộ Công Thương cho biết.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.
Lê Thúy