Bà Đào Thị Lương, Giám đốc HTX Tâm Anh cho biết, các hội chợ phục vụ Tết Nguyên đán đóng cửa, trong khi rau, củ quả chuẩn bị sẵn sàng. Vì vậy, những ngày qua, HTX đang phải kêu gọi người tiêu dùng trên địa bàn TP.Hà Nội "giải cứu", hỗ trợ tiêu thụ hết số nông sản này thông qua kênh bán hàng online, giao hàng đến từng ngõ ngách.
Nông dân "đứng ngồi không yên"
Với 2 địa phương đang bị dịch COVID-19 là Quảng Ninh, Hải Dương, giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản càng được đặt ra cấp bách. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số thị trường truyền thống đối với sản phẩm nông sản của tỉnh Quảng Ninh bị ngưng trệ, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân, nhất là ở các địa phương trong vùng có dịch.
Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn, cần sự phối hợp để "giải cứu". |
Ở tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Danh Thủy (phường Cộng Hòa, TP.Chí Linh) cho biết, mỗi năm đến dịp Tết, hàng hóa xuất đi rất đều. Tuy nhiên, năm nay, hàng tồn của gia đình còn rất nhiều. Gà không bán được vẫn phải bỏ ra chi phí lớn để duy trì đàn, khó khăn chồng chất.
"Chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố có giải pháp như cấp giấy tờ để hàng hóa được lưu chuyển đến những vùng đang cần", ông Thủy kiến nghị.
Hay với mặt hàng thanh long, tình cảnh rớt giá mạnh đang diễn ra. Theo người dân trồng thanh long tại Bình Thuận, chưa có khi nào giá thu mua hàng chong đèn lại xuống thấp như những ngày qua, giá quanh quẩn dưới mức 10.000 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, nông dân chỉ có thể thu hồi vốn, hoặc thậm chí lỗ do chi phí đầu tư.
Ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, dù cận Tết nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến Trung Quốc - thị trường chính của trái thanh long hạn chế nhập hàng. Trong khi đó, toàn tỉnh còn khoảng 10.000 tấn thanh long đến kỳ thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và gần đến Tết Nguyên đán, tất cả kho thu mua thanh long của thương lái Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động, thương lái quay về Trung Quốc ăn Tết.
"Dịch bùng phát trở lại khiến việc tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc rất chậm, một số xe hàng đang ùn ứ tại cửa khẩu phía Trung Quốc vì thiếu tài xế chở đi phân phối", ông Trịnh thông tin.
Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,03 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng 12/2020. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác... khiến XK các mặt hàng nông, lâm thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch COVID-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông và mùa Xuân.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Quảng Tây (địa phương có biên giới với 4 tỉnh Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) cũng đã đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh.
Dịch COVID-19 cũng đang khiến nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, tiêu... tồn kho với khối lượng không nhỏ do thiếu container vận chuyển. Theo dự báo, tình trạng thiếu hụt trầm trọng container rỗng sẽ còn kéo dài ít nhất tới hết quý I.
Phối hợp 'giải cứu'
Trước tình hình trên, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị các cơ quan, đơn vị các đoàn thể chính trị - xã hội chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, vận động các tổ chức, người dân ưu tiên đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào các bữa ăn tại bếp ăn của cơ quan, gia đình.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan song song với việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ có địa chỉ cho nông sản của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
UBND TP.Hải Dương cũng vừa có văn bản gửi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thương lái, người dân trên địa bàn mua đào của nông dân đang ế ẩm vì dịch COVID-19. Thống kê cho thấy, TP.Hải Dương có 275ha trồng hoa đào Tết. Đến nay, các hộ trồng đào mới bán được 10%, nếu không bán được thì nhiều hộ sẽ rơi vào tình cảnh trắng tay, nợ ngân hàng....
Theo Bộ Công Thương, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang chịu tác động bất lợi do dịch COVID-19, đặc biệt các mặt hàng rau quả, trái cây có sản lượng lớn đến vụ thu hoạch gặp khó khăn đầu ra cả về XK lẫn tiêu thụ trong nước, nhất là tại một số địa phương đang trong vùng dịch.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chủ động liên hệ và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường đã có xu hướng tăng từ 15-30% so với cùng kỳ tháng trước (tháng 12/2020).
Về đẩy mạnh XK, Bộ Công Thương thông báo và khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản XK sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành của Việt Nam để trao đổi đề xuất với phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Lê Thúy