Ông Nguyễn Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nutricare - chuyên sản xuất sản phẩm thức ăn, đồ uống dinh dưỡng, cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp (DN) này đã đưa được vào một số hệ thống siêu thị lớn. Song để nâng cao hiệu quả, DN đã triển khai nhiều kênh bán hàng khác như phân phối trực tiếp cho các công ty, đại lý bán hàng trên khắp cả nước.
Đừng quên kênh truyền thống
CEO Nutricare nhìn nhận: "Có câu biết bình biết người nhưng thực tế biết được nhu cầu của khách hàng cực khó. Vì vậy, DN cần phải nỗ lực hơn để nhận ra hàng hóa của mình cần bán ở đâu, ai là khách hàng sử dụng?".
Việt Nam có khoảng 1,3 triệu cửa hàng truyền thống bán hàng tiêu dùng nhanh (Ảnh: TL) |
Một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, dịch COVID-19 đã tạo nên sự chuyển biến trong kênh bán hàng hiện đại và kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, với 85% thị phần ngành tiêu dùng đến từ kênh này.
Theo dữ liệu của Nielsen, năm 2019, khắp Việt Nam có khoảng 1,3 triệu cửa hàng truyền thống bán hàng tiêu dùng nhanh. Do đó, yếu tố phân phối và đảm bảo sự hiện diện của sản phẩm tại cửa hàng rất quan trọng, đóng góp 58% so với những yếu tố như sản phẩm sáng tạo (19%), sức mua (12%) và các yếu tố khác (11%). Đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam, có 13% các cửa hàng lớn đóng góp 50% doanh thu, ngược lại 49% các cửa hàng nhỏ chỉ đóng góp 20% doanh thu.
Sự tập trung này khác nhau tùy thuộc vào từng ngành hàng. Đối với những ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, giải khát và bia thì sự phân bổ tương đối giống nhau. Tuy nhiên, đối với những ngành hàng như chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa, chăm sóc em bé, sản phẩm từ sữa thì sự tập trung này còn mạnh mẽ hơn nữa, cụ thể là 6-8% cửa hàng lớn có thể đóng góp tới 50% doanh số.
Ông Richard Thomas, Giám đốc bộ phận Giải pháp Kinh doanh Hiệu quả của Nielsen Việt Nam chia sẻ: “Đây là thời điểm cần thiết để xem xét đâu mới là vấn đề quan trọng nhất, vì việc tập trung vào tất cả mọi thứ là điều không khả thi. Kênh bán hàng truyền thống vẫn là kênh quan trọng và không thể lơ là".
Vì vậy, chuyên gia của Nielsen cho rằng, việc xác định những cửa hàng trọng yếu để tái cấu trúc sự đầu tư là cách để có thể tối đa hóa doanh thu cho DN. Thêm vào đó, đã có một sự thay đổi đáng kể lên đến 20 - 30% về top những cửa hàng mang lại hiệu suất cao nhất (còn gọi là cửa hàng Vàng) từ ngay trước COVID-19, nên việc cập nhật những thông tin mới nhất để điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng là việc vô cùng quan trọng.
Đưa hàng Việt tới mọi ngõ ngách
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong khi tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt hơn 90%, thì đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ, cửa hàng tiện lợi mới chỉ chiếm trên 60%.
Trong tình hình mới, hàng hóa Việt Nam sẽ chuẩn bị bước vào một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với nhu cầu cấp thiết cải tiến về chất lượng, mẫu mã để người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, kênh thương mại hiện đại hiện nay mới chiếm khoảng 25% thị phần bán lẻ, còn kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ và cả hàng rong chiếm khoảng 75% thị phần, trong đó chợ chiếm khoảng 40%. Số liệu cụ thể này cho thấy, vai trò của kênh bán hàng tại chợ truyền thống vẫn rất quan trọng trong việc phục vụ tiêu dùng, nhất là với các đối tượng thu nhập trung bình thấp trở xuống trong xã hội.
Đồng thời, chợ cũng là nơi đón nhận những sản vật của bà con nông dân trồng được với số lượng khiêm tốn để đưa vào tiêu thụ trong khi họ chưa có điều kiện đưa hàng đạt tiêu chuẩn vào kênh thương mại hiện đại. Điều đó đồng nghĩa Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống chợ hiện đại hơn, cũng như hỗ trợ đưa hàng Việt tiếp cận được các kênh bán hàng truyền thống.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, từ đầu năm 2020 đến nay, cuộc khủng hoảng dịch bệnh diễn ra trên quy mô toàn cầu. Song, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt và tạo điều kiện cho các DN tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Thy Lê