Ngày 8/7, tại trụ sở Bộ Công Thương Việt Nam và trụ sở Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp đã diễn ra Hội thảo trực tuyến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với chủ đề “Cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp?”.
Tọa đàm trực tuyến Hiệp định EVFTA cơ hội nào cho các doanh nghiệp Pháp |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu, việc tổ chức Hội thảo qua hình thức trực tuyến được doanh nghiệp 2 bên đánh giá là phương thức trao đổi hiệu quả nhất giúp các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nắm bắt những thông tin hữu ích, trước khi Hiệp định EVFTA chính thức đi vào hiệu lực kể từ 1/8/2020.
Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của hơn 400 doanh nghiệp chủ chốt của Pháp và hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam.
Buổi Hội thảo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Pháp tiếp cận với những chính sách thương mại và đầu tư của Việt Nam có hiệu lực sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, những thông tin mới về thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân và là cửa ngõ của khu vực ASEAN với hơn 600 triệu dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành vốn là thế mạnh truyền thống của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp, chế biến, chế tạo…
Đồng thời, Bộ trưởng Công Thương cho biết, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư nhằm tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ (cho dệt may, da giày, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm...
Về phía các doanh nghiệp Pháp đều bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam. Xu hướng chung hiện nay của các doanh nghiệp Pháp và châu Âu là liên kết, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp sở tại để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng mới, tận dụng hiệu quả lợi thế của các hiệp định EVFTA và EVIPA.
Theo Bộ Công Thương, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, thách thức cũng sẽ song hành, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu.
Theo số liệu thống kê, giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019 (đứng thứ 3 tại châu Âu chỉ sau Đức và Hà Lan). Về đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến hết tháng 5 năm 2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam (sau Hà Lan).
5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp đạt 1,77 tỷ USD, giảm 18,66% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,20 tỷ USD, và nhập khẩu đạt 572,37 triệu USD. Dự báo thương mại song phương sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào những tháng cuối năm sau khi Pháp tái khởi động nền kinh tế và nền kinh tế dần dần phục hồi.
Lê Thúy