Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh điều này tại “Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Hàng Việt muốn vào siêu thị thì chất lượng phải tốt (Ảnh: Internet) |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những năm qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.
Trong giai đoạn từ năm 2006-2018, đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước trong GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức tăng trưởng nhanh: giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 16,1%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016-2018 dự kiến tăng 10,55%/năm.
Tính chung từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng Việt Nam vẫn đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Cụ thể, Chiến lược này đề ra mục tiêu tăng trưởng thương mại trong nước sẽ chiếm hơn 9,6% GDP vào năm 2020, tăng lên 13,5% GDP sau đó 5 năm và cán đích 15% GDP, tương đương gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2030. Cùng đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ duy trì tốc độ tăng trên 9% mỗi năm trong 10-15 năm tới.
Góp ý vào dự thảo, ông Trần Đình Thiên cho rằng Chiến lược phát triển thương mại phải chú trọng tới 3 yếu tố cung - cầu và chủ thể thị trường.
Ngoài đặt mục tiêu tăng trưởng cao, phát triển thương mại cũng phải "gia tăng đẳng cấp", nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng. Đơn cử trong thu hút khách du lịch, ngoài tăng về lượng cũng cần tìm cách giúp họ tiêu nhiều tiền hơn khi tới Việt Nam bằng các dịch vụ giá trị gia tăng đa dạng.
"Tới đây, ngoài khẩu hiệu "Người Việt dùng hàng Việt" thì hàng Việt phải xứng đáng với người Việt, chinh phục người Việt. Chính sách với nguồn cung hàng Việt phải nâng cấp lên, không thể ì ạch mãi", ông Thiên nhấn mạnh.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái lại cho rằng bối cảnh thời đại thay đổi nhanh chóng, việc hoạch định chiến lược dài hơi 20-25 năm "rất khó khả thi", thay vào đó cần "thực đơn cụ thể 5 năm một".
Về vấn đề đưa hàng Việt Nam vào siêu thị, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng không phải nhà phân phối không chấp nhận hàng Việt, mà do "hàng Việt Nam không tốt thì làm sao bán được?".
Ông Đoàn nhấn mạnh: "Quan trọng là nhà sản xuất Việt Nam có dám đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hay không".
Nhật Linh