Câu chuyện Pan Food – một công ty con thuộc Tập đoàn PAN của Việt Nam – mới đây vượt mặt Lotte Confectionery (Hàn Quốc) trở thành cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối một công ty có thị phần lớn thứ hai trên thị trường bánh kẹo Việt như Bibica đã cho thấy không có gì là không thể với khối DN nội nếu như có sự quyết tâm lớn.
Không thể chậm chân
Cách đây 5 năm, Lotte đã hướng tới việc thâu tóm Bibica để mở rộng thị phần khi trở thành cổ đông lớn nhất tại đây. Tuy nhiên, vì nhận rõ ý đồ “lấn chiếm” thị phần F&B từ khối ngoại nên hai năm trở lại đây, Pan Food đã không để chậm chân khi nâng dần tỷ lệ sở hữu Bibica và vừa qua đã chi 110 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu từ 43,73% lên 50,07% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch của tập đoàn này từng cho biết, DN của ông đặt trọng tâm vào chiến lược kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm, với tham vọng trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực này thông qua hoạt động M&A, mua lại cổ phần, nâng cao tỷ lệ sở hữu chi phối các công ty có thế mạnh trong lĩnh vực, từ đó tạo chuỗi giá trị gia tăng trong ngành.
Ngành F&B được đánh giá có dư địa tăng trưởng rất mạnh tại Việt Nam với triển vọng rất lớn. Cho nên, việc dòm ngó, thâu tóm thị phần của những “ông lớn” cả nội lẫn ngoại trong ngành này là khó tránh khỏi.
Theo đánh giá của công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (đồ ăn, uống, gia dụng) đã đóng góp lớn vào các giao dịch M&A nửa đầu năm 2017, chiếm 15% tổng lượng giao dịch.
Tuy nhiên, ở một số thương vụ M&A tiêu biểu trong ngành thực phẩm tại Việt Nam giai đoạn tháng 6/2016 đến tháng 6/2017, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số trong danh sách những thương vụ có giá trị lớn với Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu, nhất là Hàn Quốc.
Ngành F&B được đánh giá có dư địa tăng trưởng rất mạnh tại Việt Nam và có triển vọng rất lớn
Bên cạnh đó, vẫn có những người mua tích cực nhất theo danh sách 50 thương vụ M&A tiêu biểu 2016 – 2017 (The List 50) là các DN Việt Nam. Cụ thể, ngoài tập đoàn PAN, còn có Kido Group và Thành Thành Công, với Kido tăng sở hữu cổ phần tại Vocarimex và IPO Kido Foods, trong khi Thành Thành Công tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị ngành mía đường thông qua các thương vụ M&A, điển hình là sáp nhập TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa.
Các thương vụ trong The List 50 phản ánh xu hướng M&A trong năm 2016 – 2017 khi tập trung vào những ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng (bao gồm cả ngành F&B). Đây là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước.
Đến lúc vượt mặt
Điển hình, các thương vụ M&A ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng trong giai đoạn 2016 – 2017 tại Việt Nam có thể kể như: Kido Group (của Việt Nam) mua 65% cổ phần (CP) của công ty CP Dầu thực vật Tường An; CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% CP của công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% CP của công ty CP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% CP của công ty CP Á Mỹ Gia; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% CP của công ty CP Thực phẩm Đức Việt; Fraser & Neave Ltd. (F&N, đến từ Singapore) mua 5,4% CP của công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk; KKR (Mỹ) mua 7,5% CP của Masan Group; ACA Investments (Nhật Bản) mua 20% CP của Bibo Mart.
Như đánh giá của một nhóm nghiên cứu về hoạt động M&A tại Việt Nam, các thương vụ M&A trong ngành F&B có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là một thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Những động thái của các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc cho thấy sự cạnh tranh trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam. Đây cũng là sự khởi đầu của xu hướng đầu tư, mua lại các công ty có kênh phân phối tại thị trường địa phương nhằm đưa các sản phẩm F&B của Thái Lan và Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.
Giới chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2017 – 2018, lĩnh vực F&B ở Việt Nam sẽ là một trong những lĩnh vực chính mà các thương vụ M&A tiếp tục tập trung. Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ, chọn đối tác chiến lược hoặc thoái vốn của các DN nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh các hoạt động mở rộng và kết hợp để gia tăng chuỗi giá trị trong ngành F&B của các DN nội thông qua M&A, có thể thấy những DN có tiếng trong nước như hai DN bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco và Habeco, hay công ty sữa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk, vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Đứng trước những “cơn sóng” M&A như vậy, nếu các DN nội trong ngành F&B không muốn tự bán mình cho khối ngoại thì việc liên kết giữa các DN nội với nhau, hình thành liên minh, kể cả vượt mặt khối ngoại trong hoạt động M&A, mua lại cổ phần để tăng sức cạnh tranh là chuyện nên làm trong lúc này trước khi quá muộn.
Thế Vinh