Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cuối niên vụ 2017-2018, các nhà máy đường cả nước dự kiến kế hoạch tổng diện tích mía cung cấp cho nhà máy gần 240.000ha với năng suất đạt 68,3 tấn/ ha, tổng sản lượng mía đạt gần 15,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, thực tế kết quả niên vụ 2018-2019 đạt được không như kế hoạch đề ra vì diện tích giảm, có nơi giảm đến 20 - 30%. Năng suất mía cũng giảm so với kế hoạch, chỉ đạt 63,42 tấn/ha…
Sản lượng xuống dưới 1 triệu tấn
Cũng theo số liệu của VSSA, trong niên vụ 2018-2019, các nhà máy đường trên cả nước đã ép được hơn 12,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,17 triệu tấn đường. Tuy nhiên, sức tiêu thụ kém do ảnh hưởng của đường nhập lậu khiến tồn kho tại các nhà máy đường tính đến thời điểm kết thúc niên vụ đã lên tới 600.000 tấn.
Cụ thể, con số VSSA ước tính lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ năm 2018 đến cuối tháng 9/2019 khoảng trên 800.000 tấn, tương đương với khoảng 50% nhu cầu cả nước.
“Tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại khiến giá đường xuống thấp, làm cho giá mía thấp theo, bà con nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Bên cạnh đó, một số vùng bị hạn hán làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. Một số nơi bị sâu bệnh cũng làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng…”, VSSA cho biết.
Có thể thấy, niên vụ 2018-2019 của ngành mía đường là một niên vụ “thất bát” nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó. Mới đây, VSSA đã đưa ra dự báo về tổng nhu cầu đường phục vụ sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 1,8 triệu tấn.
Trong khi đó, các nhà máy đường trong nước đã dự kiến sơ bộ kế hoạch sản xuất của niên vụ 2019-2020, với tổng diện tích mía nguyên liệu là 157.809ha (giảm 18% so với niên vụ 2018/2019), sản lượng mía ép khoảng 9,75 triệu tấn (giảm 20%); tổng sản lượng đường là 967.823 tấn (giảm 18%).
Như vậy, niên vụ 2019 - 2020, sản lượng đường trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, kéo theo mục tiêu 2 triệu tấn đường đến năm 2022 mà VSSA từng đặt ra vào năm 2018 ngày càng trở nên xa vời. Do đó, VSSA nhận định năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu đường để bù đắp nguồn cung trong nước thiếu hụt.
Tình trạng khó khăn của ngành mía đường không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam mà xét trên quy mô toàn cầu, nhiều khả năng năm 2020 sẽ là năm thứ ba liên tiếp thị trường đường thế giới mang sắc màu ảm đạm.
Ngành mía đường đang bị tổn thương nặng nề bởi những khó khăn khó gỡ |
Nguy cơ sụp đổ
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), giá đường thế giới năm 2018 chạm đáy 276 USD/tấn, tức là đã “rơi tự do” 31,5% so với bình quân 402 USD/tấn của 9 năm trước đó (2009- 2017), ước tính năm 2019 chỉ đạt 280 USD/tấn, năm 2020 sẽ nhích nhẹ lên 288 USD/tấn.
Trong khi đó, với nền kinh tế mở, thị trường mía đường cũng như nhiều hàng hóa khác của Việt Nam và thế giới giống như những chiếc bình thông nhau, nên những biến động của thế giới đều tác động rất mạnh đến thị trường trong nước.
Tuy nhiên, sự lỏng lẻo đến từ bên trong với những yếu kém cơ bản khiến ngành mía đường Việt Nam càng trở nên “bi đát”. Kể từ khi hoàn thành chương trình 1 triệu tấn đường từ năm 2000, năng suất mía đã tăng bình quân 1,61%/ năm nhưng thiếu mía nguyên liệu vẫn là căn bệnh trầm kha của ngành mía đường Việt Nam.
Cụ thể, tại thời điểm năm 2000, diện tích mía tuy đạt kỷ lục 344.000ha nhưng vẫn có tới 30,8% công suất ép mía không được tận dụng. Trong niên vụ giá đường thế giới bắt đầu giảm mạnh 2017-2018 thì con số này là 35,9% và khi giá đường thế giới giảm mạnh năm thứ hai liên tiếp thì tiếp tục tăng mạnh lên 44,3%.
Tình trạng thiếu mía nguyên liệu trầm trọng hiện nay được dự báo sẽ còn kéo dài sang niên vụ mới. Trong khi khó khăn cũ chưa có biện pháp tháo gỡ, ngành mía đường trong nước lại đối mặt với thách thức khi từ 1/1/2010, quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN chính thức có hiệu lực.
Điều này đồng nghĩa với việc chỉ khoảng 20 ngày nữa, đường nhập ngoại chính ngạch không hạn ngạch với thuế suất ưu đãi sẽ ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là đường từ Thái Lan, Indonesia gây thêm áp lực cạnh tranh không nhỏ cho ngành mía đường nội địa.
Trước mối “đe dọa” này, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại ngành mía đường Việt Nam có thể sụp đổ ngay trên “sân nhà” bởi không thể vượt qua áp lực.
Thực tế, với mức giá bán 13.000 đồng/kg hiện nay, người sản xuất và kinh doanh đường không có lãi. Trong khi đó, dự báo giá đường năm 2020 sẽ xuống dưới mức giá này. Nguyên Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh đã nhiều lần khẳng định đường kính sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với đường Thái Lan ở mức giá 8.000-9.000 đồng/kg. Hơn nữa, chất lượng đường nhập ngoại đang vượt trội.
Vân Linh