Khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp (DN) có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách. Số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian để khôi phục hoạt động sản xuất bởi chuỗi cung ứng nguyên liệu thủy sản bị đứt gãy, DN mất khách hàng do giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.
Bỏ lỡ cơ hội thị trường
Riêng về vấn đề nguyên liệu, nhiều ngành như tôm, cá tra... cũng đang đứng trước thách thức trên. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, chia sẻ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu (XK) của chuỗi ngành hàng cá tra. Diện tích nuôi, thu hoạch, sản lượng đều giảm so với cùng kỳ.
DN chế biến xuất khẩu cá tra lo lắng về nguồn nguyên liệu khi dịch bệnh được kiểm soát. |
Người nuôi cá tra không bán được cá (quá lứa, chi phí tăng) do nhà máy không mua cá, kèm theo kênh tiêu thụ nội địa trong nước gặp khó khăn, giảm đáng kể do dịch bệnh. Song đến nay, khi DN chuẩn bị hoạt động sản xuất trở lại thì nguy cơ thiếu nguyên liệu lại hiện rõ.
Theo bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, do giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy: do không có công đoàn thu hoạch vì lao động không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác; các hộ sản xuất giống đã ngưng thả giống 2 tháng nay, do đó sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.
Trong khi đó, cá nguyên liệu vì không thu hoạch kịp dẫn đến quá cỡ, ứ đọng dưới ao, cá chết nhiều và giảm chất lượng; các chi phí đầu vào đều tăng đột biến khiến giá thành nuôi tăng rất cao.
Bà Lan kiến nghị, tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để viêc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được tiếp tục thuận lợi; xem xét cho phép công đoàn thu hoạch cá di chuyển giữa các huyện và liên tỉnh: được đi đến điểm test COVID - 19 và tập trung tại điểm di chuyển (bằng xe hoặc bằng ghe) để tham gia thu hoạch cá. Sau đó, có thể vừa thực hiện cách ly, vừa thu hoạch cá tại vùng nuôi và được tầm soát COVID-19 trước khi đến làm việc tại vùng nuôi tiếp theo.
Với ngành tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, cho biết nếu bà con có kịp thả nuôi vào cuối tháng 9 thì cũng chỉ đáp ứng cung nguyên liệu cho xuất khẩu ở các thị trường gần. Còn với thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ thì không kịp. "Nếu muốn đáp ứng được nhu cầu vào dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch ở các thị trường xa, thì chậm nhất tháng 11, DN phải xuất được hàng từ cảng của Việt Nam", ông Quang chia sẻ.
Trước tình hình này, Minh Phú cho biết đã tăng giá thu mua tôm để khuyến khích bà con nuôi thả, hiện giá đã gần trở về mức trước phong tỏa, cách ly. Tuy vậy, bà con vẫn còn thấp thỏm lo sợ DN không thu mua. Do vậy, các ngành chức năng cần có những giải pháp hỗ trợ để bà con khôi phục lại hoạt động.
Hỗ trợ phục hồi nuôi trồng
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, để khôi phục được nguồn nguyên liệu của ngành thủy sản nói chung cũng như cá tra nói riêng thì Công đoàn thu hoạch cá giống và nhân viên thu mua giống cần được phép đi về hàng ngày, theo nguyên tắc một cung đường 2 điểm đến. Đi lại và thu hoạch trong khu vực không thực hiện Chỉ thị 16 xin cho phép được về nhà không bị cách ly (điều kiện đã tiêm 1 mũi vắc xin và test COVID-19 định kỳ 3 ngày/1 lần).
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15+ và Chỉ thị 16 cho bà con nuôi giống có điều kiện đi chăm sóc ao, mua thuốc vật tư và thả giống mới, có như vậy, chuỗi cung ứng giống sang năm 2022 mới không bị gián đoạn.
Trong khi đó, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra kiến nghị cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường. Đồng thời, cần tập trung và tăng cường tháo gỡ khó khăn cho người nuôi, DN chế biến XK tạo ra do ảnh hưởng của COVID-19.
“Cần nâng tỷ lệ tiêm vắc xin trong toàn chuỗi để ngành sớm trở lại hoạt động bình thường thông qua các quy định cụ thể bởi đôi khi quy định của Trung ương rất rõ ràng, nhưng khi xuống địa phương lại khó khăn”, ông Quốc chia sẻ.
Trước tình hình hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản của cả nước nói chung, đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng bị đứt gãy, thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, XK vào các tháng cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đề xuất: Bộ NN&PTNT cần kiến nghị Chính phủ có quy định tháo gỡ giúp DN thu mua, chế biến sớm hoạt động trở lại với công suất tối đa. Sớm mở cửa hoạt động trở lại các chợ đầu mối do thực hiện phong tỏa phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Ưu tiên bổ sung tiêm vắc xin đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi hoặc có cơ chế xã hội hóa trong việc tiêm vắc xin để DN chủ động tiêm cho công nhân. Đối với người đã được tiêm vắc xin từ 01 mũi trở lên sau 14 ngày thì được phép lưu thông bình thường.
Đặc biệt, cần khơi thông ách tắc trong lưu thông, vận chuyển sản phẩm thủy sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như: con giống, thức ăn, máy móc, thiết bị... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, không dựng lên các rào cản, quy định "con" tại các xã/huyện/tỉnh lộ. Cũng như triển khai ngay các chính sách (đặc biệt Nghị quyết 105) đến các HTX và các DN để khôi phục sản xuất thủy sản.
Thy Lê