Giữa bối dịch Covid-19 đợt 4 đang lây lan ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Công ty thuỷ sản Hùng Cá Group ở cụm công nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đang thực hiện phương thức “3 tại chỗ”.
Vừa chống dịch, vừa sản xuất
Số lượng công nhân làm việc tại 7 nhà máy chế biến thủy sản của doanh nghiệp (DN) này hiện chỉ còn hơn 1.000 công nhân (trước đây 4.078 công nhân). Để đảm bảo “3 tại chỗ” thì DN bố trí đầy đủ chỗ ở, nơi ăn uống cho công nhân và hoạt động sản xuất, nhắc nhở công nhân thực hiện 5K.
Giữa diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đợt 4 thì việc giữ đà tăng trưởng XK thuỷ sản trong các tháng tới là cả bài toán hóc búa. |
Trong khi đó, cũng ở Đồng Tháp vào tháng 7/2021 này thì Công ty TNHH Thuỷ sản Phát Tiến (Fatifishco) có trụ sở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh đã ghi nhận hơn 300 công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Tình hình trên làm cho DN trở thành ổ dịch lớn thứ 2 trong tỉnh, dẫn đến hoạt động chế biến xuất khẩu (XK) cá tra bị đình trệ.
Còn tại Bạc Liêu, các DN trong lĩnh vực chế biến XK tôm đang quan ngại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kênh phân phối sản phẩm đứt gãy, gián đoạn ở một số thị trường XK.
Trong một hội nghị trực tuyến vào tháng 7/2021 này, nhằm đánh giá hiện trạng và giải pháp trọng tâm của ngành tôm năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến có chia sẻ mối lo của các DN chế biến XK tôm ở Bạc Liêu.
Vị thứ trưởng nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang làm một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, logistic không thuận lợi, giá tôm sụt giảm, giá cước vận tải tăng, thời tiết, môi trường có những diễn biến bất thường... là những trở ngại ảnh hưởng đến ngành tôm.
Tại Cà Mau, từ giữa tháng 7/2021 thì các DN XK thuỷ sản đã được lưu ý chủ động xây dựng phương thức “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và duy trì chuỗi sản xuất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Đơn cử như CTCP thuỷ sản Cà Mau (Seaprimexco) đã sớm áp dụng phương thức này và đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân ổn định tâm lý, giữ chân công nhân yên tâm làm việc.
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đợt 4 hoành hành dữ dội đang là mối lo của tất cả các DN chế biến thuỷ sản ở ĐBSCL hiện nay. Mặc dù không ít DN chuẩn bị cho kịch bản ứng phó rất kỹ càng nhưng cũng không tránh khỏi hoang mang.
Trong bối cảnh như vậy, chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) có một số nhận định rất đáng lưu tâm. Chẳng hạn như “XK tôm khó giữ được tăng trưởng nếu chậm trễ tiếp cận vaccine”, “XK thuỷ sản sang EU nửa cuối năm khó duy trì tăng trưởng 20%”, “XK cá tra: Vừa mừng đã vội lo”, “XK cá ngừ không khỏi lo lắng về tăng trưởng quý tới”…
Bài toán hóc búa
Những nhận định này đều “xoay” theo diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đợt 4. Như với XK tôm, các chuyên gia của Vasep lưu ý rằng: “DN chế biến tôm mong mỏi và trông chờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ để được sớm nhất tiếp cận nguồn vaccine cho người lao động. Nếu chỉ cần một khâu bị đứt gãy thì thiệt hại sẽ kéo theo chuỗi giá trị từ DN - người nông dân - công nhân đều bị sụp đổ”.
Hoặc với XK cá tra, như chia sẻ của bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của Vasep, theo phản ánh của các DN XK cá tra, việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng nuôi về nhà máy, vận chuyển hàng hóa đi Tp.HCM gặp nhiều khó khăn.
Nhất là trước đó nhiều container hàng thủy sản bị ách tắc tại các chốt kiểm soát vì tài xế vận chuyển hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Tới nay, theo bà Hà, cước vận tải biển quốc tế cũng đã tăng gấp 5-7 lần, trong khi đó, giá XK cá tra tại nhiều thị trường đứng im.
Hay như việc XK thuỷ sản vào thị trường EU, giới chuyên gia nhận định nhu cầu NK thuỷ sản từ thị trường EU bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm. Việt Nam có thế nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh XK sang thị trường này nếu nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19 đợt 4 đang bùng phát ở Tp.HCM và một số tỉnh ĐBSCL.
Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ với thực trạng Covid-19 như hiện nay, liệu các DN chế biến thuỷ sản ở ĐBSCL có tận dụng cơ hội để gia tăng XK vào thị trường EU hay không thì vẫn là dấu hỏi lớn. Trong khi đó, vấn đề thẻ vàng IUU vẫn đang là thách thức cho các DN XK thuỷ sản vào EU.
Cần ghi nhận là tăng trưởng XK thủy sản nửa đầu năm nay rất đáng khích lệ, đạt kim ngạch 4,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý như XK cá tra có mức tăng 14,7%, còn XK tôm đạt mức tăng 13,7%.
Tuy nhiên, trước việc các DN chế biến thuỷ sản đang căng mình trước dịch bệnh thì trong quý tới liệu có tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng hay không là cả bài toán hóc búa.
Theo chia sẻ của Ts. Hồ Quốc Lực - chuyên gia thuỷ sản, bộn bề lo âu đều ập tới các DN chế biến tại thời điểm này, trong đó là giá cước tàu biển quốc tế liên tục tăng. Các hãng tàu càng có lý do từ dịch bệnh để “thổi giá” một cách thiếu sòng phẳng.
Ngoài ra, trên thị trường thế giới, đại dịch Covid-19 cũng có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong giai đoạn trước mắt. Một số thị trường cũng được đánh giá chính sách kiểm tra thủy sản nhập khẩu khắt khe trong và sau đại dịch.
Cho nên, trước mối lo có giữ được đà tăng trưởng XK thuỷ sản trong các tháng tới hay không, rất cần thêm những chính sách hỗ trợ, tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính để DN thuỷ sản vượt qua những thách thức trong lúc này.
Thế Vinh