Theo phản ánh từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) gửi đến Bộ NN&PTNT, trong tuần cao điểm bị tác động của đại dịch covid-19 tại Tp.HCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu về Việt Nam đã ách tắc tại các cảng, trong khi DN đang không có nguyên liệu cho sản xuất.
Bất cập nguyên liệu chờ kiểm dịch ở cảng
Như chia sẻ của Vasep, do tình hình chống dịch khó khăn, Cơ quan Thú y Vùng 6 chỉ chấp nhận tiến hành kiểm dịch các lô hàng thủy sản tại cảng. Còn nếu DN mang hàng về kho của DN (theo quy định từ trước tới nay) thì phải chờ đến hết dịch Covid-19, cán bộ thú y mới tới kiểm hàng được. Điều này thì bất khả thi cho sản xuất kinh doanh.
Các DN chế biến thuỷ sản đang gặp ách tắc nhiều lô nguyên liệu nhập khẩu ở cảng giữa lúc thiếu nguyên liệu cho sản xuất. |
Trong khi đó, có rất nhiều khó khăn và chi phí cho DN thuỷ sản nếu để hàng ở cảng chờ như vậy. Nhất là vào thời điểm quyết liệt chống dịch như hiện tại, việc lưu thông vận chuyển hàng giữa các địa phương cũng đang rất kẹt.
Chính vì vậy, Vasep và các DN thuỷ sản đã đề xuất với Bộ NN&PTNT và Cục Thú y xem xét có phương án hỗ trợ cho việc duy trì sản xuất kinh doanh, lưu thông được hàng hoá, nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.
Cụ thể là cần có quyết định tạm thời về cơ chế miễn - giảm kiểm tra nhập khẩu dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và lịch tuân thủ của DN.
Đề xuất này, theo Vasep là cũng dựa trên quy định về nguyên tắc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, đó là “tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nhập khẩu, quá cảnh” và trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành về “không phân biệt đối xử trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành” tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 85/2019/NĐ-CP.
Cần nhắc lại là, hiện 80 - 85% thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm là các sản phẩm để sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Việc ách tắc ở khâu kiểm tra nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chế biến của các DN thuỷ sản.
Nhất là cần có phân định đúng danh mục kiểm tra nhập khẩu sản phẩm thuỷ sản, kiểm dịch với con giống, sống, tươi, ướp đá. Kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến dùng làm thực phẩm cho người ở dạng đông lạnh, khô, đồ hộp…
Ngoài vấn đề nêu trên, các DN thuỷ sản cũng đang mong mỏi được giảm một số khoản phí trong công tác thú y nhằm có thể hỗ trợ cho họ tháo gỡ một phần khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4.
Đặc biệt trong bối cảnh chật vật như hiện nay thì các DN trong ngành thuỷ sản vẫn đang gặp áp lực từ những khoản phí không nhỏ dựa trên Thông tư số 101/2020/TT-BTC (có hiệu lực từ tháng 1/2021) quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y.
Giảm phí “nhỏ giọt” ?
Cụ thể như phí kiểm tra lâm sàng động vật thủy sản với mức thu 100.000 đồng/xe ô tô/xe chuyên dụng. Phí thẩm định vùng an toàn dịch bệnh động vật (bao gồm cả thủy sản) là 3.500.000 đồng/lần. Phí thẩm định chương trình giám sát dịch bệnh động vật để được miễn kiểm dịch (bao gồm cả thủy sản) là 300.000 đồng/lần.
Hay như phí thẩm định cơ sở chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cấp xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống; thẩm định chương trình giám sát dịch bệnh động vật để chứng minh cơ sở an toàn dịch bệnh để xuất khẩu là 1.000.000 đồng/lần.
Hoặc có thể kể đến phí giám sát cách ly kiểm dịch, như đối với động vật giống (bao gồm cả thủy sản) mức thu 800.000 đồng/lô hàng; đối với động vật thương phẩm (bao gồm cả thủy sản) mức thu 500.000 đồng/lô hàng; Kiểm dịch sản phẩm động vật đông lạnh mức thu 200.000 đồng/lô hàng…
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (trong đó có DN thuỷ sản) thì Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, trong đó có loại phí giảm tới 50%.
Tuy nhiên, mới đây khi góp ý về dự thảo này thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần cân nhắc, chỉnh sửa thêm.
Bởi lẽ, theo quy định tại Thông tư 101/2020/TT-BTC có 2 loại lệ phí, 32 loại phí trong công tác thú y. Trong khi đó, theo VCCI, như quy định tại dự thảo, đó là giảm 50% mức thu đối với 2 loại lệ phí và 1 loại phí.
“Như vậy, so với tổng số phí trong công tác thú y thì số loại phí được giảm mức thu là quá ít 1/32 loại phí”, phía VCCI lưu ý.
Nhằm hỗ trợ DN trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, VCCI đề nghị cần bổ sung thêm các loại phí trong công tác thú y được giảm (đơn cử như phí kiểm tra lâm sàng động vật thủy sản – vì đây là hoạt động kinh doanh thường xuyên của DN, việc giảm phí sẽ hỗ trợ hiệu quả và thực chất cho DN).
Theo giới chuyên gia, để DN thuỷ sản có thể duy trì, phát triển sản xuất xuất khẩu trong thời điểm đầy thách thức như hiện tại thì các cơ quan quản lý và khâu chính sách nên sớm tháo gỡ các bất cập, vướng mắc ở khâu kiểm dịch nguyên liệu nhập khẩu, cũng như bổ sung giảm một số loại phí về công tác thú y nhằm giảm bớt áp lực về mặt chi phí cho DN.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |