Ts Phạm Thị Thu Trang, Giám đốc Nghiên cứu phát triển (R&D) CTCP Năng lượng Irex, cho biết đến thời điểm hiện tại, nhà máy của công ty đặt ở Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tự sản xuất được các tấm pin năng lượng mặt trời. Irex xuất khẩu được thiết bị quan trọng này ra thị trường nước ngoài và đang nhận một số đơn hàng ở trong nước.
Chưa làm chủ công nghệ
Bà Trang chia sẻ điều được cho là mới mẻ này đối với bản thân một DN nội tại hội thảo về công nghệ sản xuất linh kiện, phụ tùng năng lượng tái tạo (NLTT) diễn ra ở Tp.HCM ngày 12/9 trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về công nghệ, thiết bị và giải pháp điều phối, truyền tải điện và ngành NLTT.
Nhiều doanh nghiệp (DN) có mặt tại hội thảo tỏ ra phấn khởi trước thông tin mà bà Trang chia sẻ, bởi lâu nay, các thiết bị cho công nghệ điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… tại Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Mỹ. Đã có nhiều DN chủ động hỏi về giá của sản phẩm pin mặt trời mà Irex sản xuất.
Ông Trần Kỳ Phúc, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết theo nhiều DN trong ngành năng lượng, tỷ lệ DN thuần Việt tham gia vào cung ứng nguyên phụ liệu cho các dự án điện gió, điện mặt trời rất thấp.
Yếu tố DN Việt Nam nếu có tham gia được vào chuỗi liên kết chủ yếu là do DN có vốn đầu tư nước ngoài 100% tại Việt Nam. Họ có bí mật công nghệ và chất lượng kỹ thuật tốt hơn.
Theo ông Phúc, hiện các dự án điện mặt trời chủ yếu nhập khẩu các tấm pin từ Trung Quốc. Trong khi đó, các máy biến tần, máy móc khác nhập từ các đối tác EU với thuế nhập khẩu 0% nhờ chương trình ưu đãi của Chính phủ.
Hồi năm ngoái, một số thiết bị điện tái tạo như tháp điện gió của DN ngoại tại Việt Nam xuất đi Mỹ, Úc đã bị khởi xướng điều tra bán phá giá. Trong khi đó, các DN nội địa vẫn chưa thể làm chủ được công nghệ điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời để sản xuất trong nước.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Cương, nguyên Giám đốc NLTT Điện lực Dầu khí Việt Nam, cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá thành điện gió. Về chủ quan như công nghệ, nhập khẩu thiết bị, vị trí lắp đặt, khảo sát lập dự án đầu tư…
Theo ông Cương, trong điều kiện hiện nay có thể chỉ khắc phục được một phần nhỏ, tỷ trọng thấp để giảm giá thành hay tiết kiệm bao gồm đầu tư khảo sát phân tích chính xác về tiềm năng gió tại khu vực có chủ trương đầu tư và đã được quy hoạch của Bộ Công Thương.
Tỷ lệ nội địa hóa thiết bị trong các dự án năng lượng tái tạo gần như chưa đáng kể |
Còn nhiều thách thức
"Chúng ta có thể nội địa hóa được một số vật tư, thiết bị lắp đặt như cột tháp chế tạo trong nước, các thiết bị cáp, trạm biến áp và một số thiết bị cho hệ thống đường dây", ông Cương chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Cương, cần chủ động thuê thiết bị lắp đặt có sẵn trong nước, hạn chế việc phải thuê thiết bị và chuyên gia nước ngoài, và đặc biệt giảm thiểu ảnh hưởng sự độc quyền của các nhà cung cấp thiết bị chính. Muốn vậy phải chủ động đào tạo nhân lực để được chuyển giao công nghệ lắp đặt, vận hành…
Ông Trần Kỳ Phúc nhận định mục tiêu về nội địa hóa các thiết bị NLTT được đặt ra khá lạc quan. Cụ thể, năm 2020 sẽ nội địa hóa được 30% thiết bị, năm 2030 là 60% thiết bị, và năm 2050 sẽ xuất khẩu các thiết bị NLTT.
Giới chuyên gia đánh giá việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị điện tái tạo tại Việt Nam một phần là do còn thiếu năng lực đánh giá và phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp phụ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh trong bối cảnh giá điện đối với NLTT còn thấp.
Như lưu ý của ông Phúc, đó là thách thức về tính kinh tế thị trường khi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Giá thành trong nước còn cao do chưa đạt được mức nội địa hóa cần thiết.
Trong khi đó, theo dự báo, tiềm năng kỹ thuật điện tái tạo của Việt Nam khá lớn, ước khoảng 500.000 MW, gấp hơn 10 lần so với nhu cầu hệ thống hiện nay. Trong đó, tiềm năng điện mặt trời là 340.000MW, điện gió khoảng 27.000 MW…
Thế nhưng, số liệu gần đây của Bộ Công Thương cho thấy NLTT hiện chỉ chiếm 5,17% trong cơ cấu nguồn điện dự kiến năm 2018. Bộ này cho rằng cần tiếp tục rà soát điều chỉnh các cơ chế khuyến khích các loại hình NLTT đã ban hành nhưng chưa thực sự thu hút đầu tư.
Cũng theo Bộ Công Thương, thời gian tới cần hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện từ NLTT và các cơ chế khuyến khích khác như: Đấu thầu dự án NLTT, cơ chế mua bán trực tiếp giữa người sản xuất điện từ NLTT với hộ tiêu thụ lớn, cơ chế định mức NLTT.
Thế Vinh