Ông Đỗ Tiến Quang, Giám đốc công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chi nhánh Tp.HCM, nhận định thị trường bóng đèn Led hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt. Trước kia, với sản phẩm bóng đèn truyền thống chỉ có Rạng Đông, Điện Quang hay Philips và một vài công ty tư nhân khác, nhưng hiện nay có vô số doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước nhảy vào thị trường này.
Trông chờ khối nội
Cầm một sản phẩm đèn Led mới ra lò của công ty, ông Quang cho biết bóng đèn này đang sử dụng con chíp đèn Led của hãng Samsung mới "đủ sức" cạnh tranh, còn nếu dùng chíp đèn Led của Trung Quốc hay một số quốc gia khác thì khó giữ được thị trường.
Xem việc phát triển công nghệ mới như một trong những yếu tố quyết định để tăng lợi thế cạnh tranh nhằm phát triển thị phần thiết bị điện trong nước và gia tăng xuất khẩu, hồi tháng 6 vừa qua, Rạng Đông còn phối hợp với FPT để phát triển các thiết bị điện và chiếu sáng thông minh có ứng dụng nền tảng công nghệ IoT (Internet kết nối vạn vật).
Tại Triển lãm quốc tế Công nghệ và Thiết bị điện Vietnam ETE 2018 diễn ra ở Tp.HCM ngày 18/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng với việc tăng cường đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, các DN nội trong ngành này đã và đang đạt được nhiều tiến bộ.
Theo ông Hải, các DN sản xuất thiết bị điện trong nước cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước mà còn từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Hải lưu ý là các DN cơ khí trong nước hiện đã sản xuất đáp ứng được khoảng 90% phụ kiện, thiết bị chính cho lưới điện, nhưng đối với lĩnh vực công nghệ thiết bị điện và các sản phẩm tiết kiệm năng lượng thì năng lực sản xuất trong nước chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Qua quan sát một vòng tại Triển lãm lần này cũng cho thấy sự có mặt khiêm tốn của một vài tên tuổi nội địa quen thuộc như Điện Quang, Rạng Đông, Gelex, còn lại phần lớn vẫn là những nhà sản xuất đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc…
Các sản phẩm thiết bị điện nội địa đều phải chịu sự cạnh tranh gay gắt |
Có đứng vững trên "sân nhà"?
Theo ước tính, nhu cầu mua sắm thiết bị điện trên thị trường điện gia dụng trong nước hiện nay lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, ngoài thị phần ở phân khúc bóng đèn và đèn Led được cho là có chút cân bằng với khối ngoại, các thương hiệu nội địa vẫn chưa chiếm được thị phần đáng kể ở các phân khúc thiết bị điện khác.
Vấn đề nằm ở chỗ nhiều sản phẩm thiết bị điện trong nước được cho là tính cạnh tranh chưa cao vì giá thành đắt hơn sản phẩm ngoại trong khi lại kém về sự đa dạng và phong phú về chủng loại, cũng như những đáp ứng hạn chế về nhu cầu tiết kiệm điện.
Theo giới chuyên gia, các sản phẩm thiết bị điện được sản xuất trong nước đều phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm có xuất xứ từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Chẳng hạn như thị trường đèn Led, một thương hiệu trong nước là Điện Quang hồi năm ngoái đã bị đẩy vào cuộc chiến với những thương hiệu giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi yếu tố chất lượng – vốn là thế mạnh của sản phẩm nội địa này vẫn chưa thể phát huy tác dụng.
Thị trường thiết bị điện được cho là sẽ còn tiếp tục nóng lên khi liên tục xuất hiện các thương hiệu lớn từ các quốc gia châu Á theo hình thức nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, hoặc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, cho rằng yêu cầu sử dụng thiết bị điện tiết kiệm và hiệu quả đã và đang trở thành mục tiêu, xu hướng mà các DN nội cần hướng tới.
Được biết, mục tiêu của ngành sản xuất thiết bị điện nội địa trong 2 năm tới là cần phải đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghiệp thiết bị điện và vật liệu điện. Đây cũng là một trong 5 lĩnh vực công nghiệp được Chính phủ ưu tiên phát triển hiện nay.
Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh đòi hỏi các DN nội cần đầu tư công nghệ mới, đầu tư chiều sâu thiết bị điện với công nghệ tiên tiến để nhanh chóng nâng cao năng lực chế tạo thiết bị điện, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Chỉ như vậy mới có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước, thay thế các thiết bị nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, nguồn vốn để các DN nội có thể đầu tư đổi mới công nghệ và đầu tư mới các thiết bị ngành điện vẫn là thách thức lớn. Các ưu đãi về vốn vay hiện nay vẫn ưu tiên dành cho các DN sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng, khai thác năng lượng tái tạo.
Thế Vinh