Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay (11/2).
Giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp. |
Cụ thể, Liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít; dầu diesel ở mức 400 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG, xăng E5RON92 không cao hơn 24.571 đồng/lít (tăng 976 đồng/lít so với giá hiện hành); Xăng RON95-III: không cao hơn 25.322 đồng/lít (tăng 962 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 19.865 đồng/lít (tăng 962 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 18.751 đồng/lít (tăng 958 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.659 đồng/kg (tăng 666 đồng/kg so với giá bán hiện hành).
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới giai đoạn vừa qua (từ kỳ điều hành giá ngày 21/1/2022 đến kỳ điều hành này) có nhiều biến động tăng giá, nguồn cung xăng dầu khan hiếm do ảnh hưởng của các yếu tố chính như: căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine và bất ổn chính trị tại các nước như Kazakhstan, Libya, Iran… tiếp tục phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao.
Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/1/2022 đến kỳ điều hành ngày 11/2/2022 cụ thể như sau: 102,419 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 6,253 USD/thùng, tương đương tăng 6,50% so với kỳ trước); 104,605 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,743 USD/thùng, tương đương tăng 6,89%); 104,831 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 6,327 USD/thùng, tương đương tăng 6,42%); 101,937 USD/thùng dầu hỏa (tăng 5,042 USD/thùng, tương đương tăng 5,20%); 511,032 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 26,747 USD/tấn, tương đương tăng 5,52%).
Trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/2, thị trường trong nước xáo trộn khi một số cửa hàng treo biển hết xăng.
Tối ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 150/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.
Trong sáng 10/2/2022, Đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn; Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình làm Phó trưởng đoàn cùng các thành viên thuộc Vụ Thị trường trong nước, Vụ Pháp chế và Đại diện Cục Quản lý thị trường địa phương… đã lên đường vào Nam. Điểm kiểm tra đầu tiên Đoàn thực hiện thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long – nơi được người dân, báo chí phản ánh về hiện tượng xuất hiện các biển treo “hết xăng”.
Ghi nhận ban đầu của Đoàn kiểm tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra có đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã treo biển "hết xăng”.
Tuy vậy, cũng có đơn vị vẫn còn hàng nhưng không mở bán với nhiều lý do khác nhau… Cụ thể, trong buổi chiều ngày 10/2, Đoàn bất ngờ kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trong số 4 trụ cây xăng ở đây có 2 cây xăng E5-RON92 hết hàng nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng RON95 trong bể chứa nhưng không bán. Chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.
“Tuy nhiên, với bất cứ lý do gì, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là phải truy đến cùng, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, Trưởng Đoàn Thanh tra Lê Việt Long cho biết.
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 21/1/2022, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng lên 23.590 đồng/lít, RON 95 tăng 490 đồng lênt 24.360 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu đều tăng: dầu hoả là 17.790 đồng/lít, tăng 660 đồng; Dầu diesel là 18.900 đồng/lít, tăng 670 đồng; Dầu mazut là 16.990 đồng/kg, tăng 630 đồng.
Thy Lê